UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định về việc cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với hai nhà thầu là Công ty CP Quản lý và xây dựng công trình giao thông Hà Nam và Công ty CP xây dựng Hồng Hải. Lý do, 2 nhà thầu này đã kê khai và cung cấp các tài liệu không trung thực trong E-HSDT khi tham gia dự thầu, vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013.
Tìm hiểu được biết, Công ty CP Quản lý và xây dựng công trình giao thông Hà Nam có địa chỉ tại Km2 -đường Đinh Tiên Hoàng, phường Trần Hưng Đạo, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam được thành lập ngày 11/4/2007. Người đại diện theo pháp luật là ông Phan Văn Tuyển, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty.
Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình công ích khác, chi tiết: Quản lý, sửa chữa, bảo trì cầu đường bộ, đường sông. Theo thống kê, khoảng 5 năm trở lại đây, Công ty CP Quản lý và xây dựng công trình giao thông Hà Nam đã tham gia 20 gói thầu (trong đó trúng 14 gói, trượt 3 gói, 3 chưa có kết quả) với tổng giá trị trúng thầu hơn 56,7 tỷ đồng.
Hiện công ty này đang trong thời gian thực hiện hợp đồng một số gói thầu như: Gói thầu Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh, đường thủy nội địa địa phương do Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nam quản lý năm 2022 - 2024 (trị giá 17 tỷ đồng, là thành viên liên danh) do Ban Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư, bên mời thầu; gói thầu Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường và cầu các tuyến QL.21, QL.21B, QL.37B, QL.38 do Sở GTVT Hà Nam quản lý năm 2021 - 2024 (trị giá 13,52 tỷ đồng)...
|
2 nhà thầu vừa bị Thanh Hóa “cấm cửa” 3 năm do khai gian năng lực là ai? (ảnh minh họa: Internet). |
Trong khi đó, Công ty CP xây dựng Hồng Hải có trụ sở tại số 5 nhà A, khu tập thể Đại Học Thương Mại, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội được thành lập vào ngày 3/9/2008 với nghành nghề đăng ký kinh doanh chính là sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét, xây dựng nhà để ở, xây dựng công trình… Người đại diện theo pháp luật là ông Bùi Đình Thường.
Dữ liệu đấu thầu cho thấy, khoảng 5 năm trở lại đây, Công ty CP xây dựng Hồng Hải đã tham gia 17 gói thầu (trong đó trúng 13 gói, trượt 3 gói, 1 gói đã bị hủy) với tổng giá trị trúng thầu 265,9 tỷ đồng tại các tỉnh, thành như: Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Cao Bằng, Hòa Bình, Thanh Hoá.
Một số gói thầu xây lắp giá trị lớn mà Công ty CP xây dựng Hồng Hải trúng thầu có thể kể đến gồm: Gói thầu Xây dựng cầu chính và đường vào cầu thuộc dự án cầu Kênh Xáng trên Đường huyện 35, tỉnh Tiền Giang (với giá trúng thầu 53,535 tỷ đồng) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang là chủ đầu tư, bên mời thầu; gói thầu số 16N: Thi công xây dựng 2 cầu qua kênh tại Km2+187,36 và Km5+718 thuộc dự án Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP Hà Nội (trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) do Ban Quản lý và duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn Hà Nội mời thầu (với giá trúng thầu 23,1 tỷ đồng); gói thầu Thi công xây lắp Công trình sửa chữa hư hỏng cục bộ nền, mặt đường và rãnh thoát nước từ Km145+500 - Km162, Quốc lộ 4A tỉnh Cao Bằng (giá trúng thầu 16.9 tỷ đồng) do Ban Quản lý bảo trì đường bộ mời thầu…
Ở diễn biến liên quan, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, liên danh Công ty CP Quản lý và xây dựng công trình giao thông Hà Nam và Công ty CP xây dựng Hồng Hải sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong vòng 3 năm (kể từ ngày 7/12/2022) đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách do các cơ quan, ban, ngành thuộc tỉnh Thanh Hóa và các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa (chủ đầu tư, bên mời thầu), gói thầu mà liên danh 2 nhà thầu trên tham gia và có vi phạm là gói thầu số 5 Thi công xây dựng công trình và bảo hiểm công trình thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 506B đoạn thị trấn Lam Sơn đi xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân.
Gói thầu này có giá dự toán 99,599 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư của dự án là 137,998 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh Thanh Hóa, được đấu thầu rộng rãi qua mạng, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 8 - 28/7/2022, với sự tham dự của 2 nhà thầu.
Ngày 23/ 8/2022, liên danh Tổng công ty CP Đầu tư xây dựng Minh Tuấn - Tổng công ty Công trình giao thông I Thanh Hóa trúng thầu với giá 99,4 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 540 ngày.
Còn liên danh Công ty CP Quản lý và xây dựng công trình giao thông Hà Nam - Công ty CP xây dựng Hồng Hải bị loại tại vòng đánh giá năng lực, kinh nghiệm do không trung thực trong kê khai thiết bị, máy móc thực hiện gói thầu.
Tại Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu như sau:
- Đưa, nhận, môi giới hối lộ;
- Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu;
- Thông thầu, bao gồm các hành vi: Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu, hoặc rút khỏi việc tham dự thầu, rút đơn dự thầu để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu…;
- Gian lận, bao gồm các hành vi: Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào; nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư…;
- Cản trở, bao gồm các hành vi: Hủy hoại, lừa dối, thay đổi, che giấu chứng cứ hoặc báo cáo sai sự thật; đe dọa, quấy rối hoặc gợi ý đối với bất kỳ bên nào nhằm ngăn chặn việc làm rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, gian lận hoặc thông đồng đối với cơ quan có chức năng, thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…;
- Không bảo đảm công bằng, minh bạch, bao gồm các hành vi: Tham dự thầu với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư đối với gói thầu, dự án do mình làm bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu, chủ đầu tư; tham gia lập, thẩm định, đánh giá hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất... đối với cùng một gói thầu, dự án; nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế...;
- Tiết lộ, tiếp nhận những tài liệu, thông tin sau đây về quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 7 và điểm e khoản 8 Điều 73, khoản 12 Điều 74, điểm i khoản 1 Điều 75, khoản 7 Điều 76, khoản 7 Điều 78, điểm d khoản 2 và điểm d khoản 4 Điều 92 Luật Đấu thầu 2013: Nội dung hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước thời điểm phát hành theo quy định; báo cáo của bên mời thầu, báo cáo của tổ chuyên gia, báo cáo thẩm định, báo cáo của nhà thầu tư vấn, báo cáo của cơ quan chuyên môn có liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trước khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư…;
- Chuyển nhượng thầu, bao gồm các hành vi: Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu ngoài giá trị tối đa dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng…;
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu.
Liên Hà Thái