Mới đây, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã quyết định xử phạt 3 công ty: Greenlife, Unicity Marketing Việt Nam và mỹ phẩm Thường Xuân, trong đó 2 doanh nghiệp có trụ sở tại TP.HCM, với tổng số tiền 920 triệu đồng.
Các công ty đa cấp này đã vi phạm nhiều quy định trong hoạt động kinh doanh đa cấp, đồng thời bất chấp hoạt động tại nhiều địa phương khi chưa có xác nhận của các nơi này.
Dụ dỗ bằng cách làm sai lệch thông tin sản phẩm
Doanh nghiệp bị phạt nặng nhất trong quyết định lần này là Công ty CP tập đoàn sản xuất thương mại quốc tế Greenlife (trụ sở tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).
Theo Cục Cạnh tranh, dù đăng ký kinh doanh đa cấp, Greenlife vẫn chưa được có xác nhận hoạt động của Sở Công Thương. Cục Cạnh tranh đã quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh đa cấp của doah nghiệp này.
Doanh nghiệp này còn bị phạt 510 triệu đồng vì không thực hiện nhiều nghĩa vụ của hoạt động kinh doanh đa cấp theo quy định pháp luật.
Greenlife đã không sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi có thay đổi; thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp và báo cáo định kỳ với cơ quan chức năng.
|
Công ty đa cấp Unicity Marketing Việt Nam (trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM) cũng bị phạt 240 triệu đồng . Ảnh chụp màn hình. |
Đồng thời, doanh nghiệp này đã dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp bằng cách thông tin sai lệch về công dụng sản phẩm. Để người tham gia có mặt trong mạng lưới của mình, Greenlife yêu cầu khách hàng phải mua một số hàng hóa do công ty cung cấp.
Hai doanh nghiệp TP.HCM bị phạt 410 triệu đồng
Ngoài Greenlife, Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam (trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM) cũng bị phạt 240 triệu đồng vì chi trả hoa hồng, tiền thưởng vượt quá 40% doanh số bán hàng trong năm và không đúng chương trình trả thưởng đã đăng ký.
Đồng thời, công ty này cũng không thực hiện nhiều nghĩa vụ như không công bố công khai các thông tin, tài liệu tại trụ sở và cho người tham gia; không đào tạo và thu hồi thẻ thành viên bán hàng đa cấp theo luật và hoạt động công khai tại nhiều địa phương khi chưa có giấy xác nhận tại đây.
Doanh nghiệp đa cấp thứ ba nhận quyết định xử phạt của Cục Cạnh tranh là Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Công ty này bị phạt 170 triệu đồng vì ký kết hợp đồng với người tham gia không đúng quy định; không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động khi có thay đổi liên quan.
Tương tự hai công ty còn lại, Mỹ phẩm Thường Xuân cũng tổ chức nhiều hoạt động tại các tỉnh nhưng chưa có xác nhận bằng văn bản của địa phương, hoạt động đào tạo người tham gia không đúng quy định.
Cảnh báo “tiền mất tật mang” khi đầu tư vào đa cấp tiền ảo
Thời gian qua, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng liên tục lên tiếng cảnh báo người dân về việc nhiều công ty đa cấp chưa có giấy phép hoạt động nhưng đã hoạt động rầm rộ với đủ hình thức kêu gọi tham gia mạng lưới.
Hình thức kinh doanh của các công ty đa cấp khá đa dạng, chủ yếu ăn chia hoa hồng cho những người trong hệ thống. Trong đó, kinh doanh tiền ảo đa cấp trên môi trường mạng khá phổ biến, được giới thiệu với tỷ lệ ăn chia lớn, cách thức kiếm tiền đơn giản.
|
Trang chủ một website của FutureNet giới thiệu người tham gia sẽ kiếm được rất nhiều tiền chỉ qua chat, tin nhắn, đăng ảnh, bình luận... Ảnh chụp màn hình. |
Gần đây, mạng lưới đa cấp FutureNet với các website: kiemtienfuturenet.com, futurenet.vn, getrich.vn; futurenet.edu.vn, meodautu.com/cach-kiem-tien-thu-dong-voi- futurenet… đã đăng thông tin tuyển thành viên.
Cụ thể, Futurenet tự giới thiệu là mạng xã hội đa phương tiện của Ba Lan. Thông qua mạng nền tảng mạng xã hội này, người dùng sẽ nhận tiền một cách rất đơn giản như chat, nhắn tin, đăng ảnh, bình luận, like, xem quảng cáo, nâng cấp tài khoản, chơi game…
Mạng lưới này đã tung những lời mời hấp dẫn, như thu nhập thụ động trung bình mỗi tháng lên đến hàng nghìn USD để hấp dẫn "con mồi".
Ngoài ra, hoạt động của FutureNet còn gồm việc đầu tư vào một đồng tiền kỹ thuật số mang tên FuturoCoin. Hoạt động của đồng tiền này dựa trên công nghệ giống Bitcoin và có khả năng phát triển như Bitcoin.
Giữa tháng 7/2018, Công ty Freedom Group đã phát hành và kinh doanh tiền ảo với nhiều mời gọi hấp dẫn về hoa hồng.
Cụ thể, tại website www.sessia.com, trang chủ công ty này giới thiệu về dự án huy động vốn bằng tiền ảo (ICO) mang tên Pre-ICO Sessia với loại tiền phát hành là Kick (một loại tiền mã hóa có giá trị tích lũy, lưu hành trong nội bộ hệ thống và các công ty đối tác của Sessia).
Trước sự xuất hiện của ngày càng nhiều công ty đa cấp nhưng đăng ký giấy phép hoạt động, Cục Cạnh tranh đã cảnh báo người dân không nên tham gia và đầu tư vào tiền ảo để tránh “tiền mất tật mang”.
Theo Phúc Minh/Zing