11.000 tấn dưa Tàu được tiêu thụ ở đâu?
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Kỹ thuật viên Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), cho biết, số dưa này (785 lô, 11.000 tấn) được nhập về Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh. Trong đó, lượng dưa về nhiều nhất vào các tháng 8, 9 và 10, thời điểm chính vụ mùa dưa lưới vàng Trung Quốc.
"Vào những tháng cao điểm, mỗi ngày, có khoảng 90 tấn dưa lưới được nhập về Việt Nam qua cửa khẩu", bà Vân Anh nói. Sang năm nay, số lượng dưa nhập khẩu có giảm đi chút ít so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Khoảng 11.000 tấn dưa lưới vàng Trung Quốc được gắn mác "dưa Việt" được dân mua về ăn hàng ngày. |
Vậy, sau khi qua cửa khẩu Tân Thanh, số dưa lưới vàng Trung Quốc này được tiêu thụ ở đâu?
Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, hiện dưa lưới vàng (loại quả thon dài) có giá 40.000 đồng/kg. Còn thời điểm chính vụ, giá dưa chỉ 20.000-25.000 đồng/kg.
Theo lời quảng cáo của các chủ hàng hoa quả thì loại dưa lưới vàng có trọng lượng từ 2,5-4 kg/quả, đây là loại dưa hoàng kim được trồng ở Việt Nam nên được rất nhiều người ưa chuộng, mua về ăn hàng ngày bởi dưa ăn giòn, ngọt, dễ bảo quản, khác hẳn so với loại dưa hấu đỏ khó bảo quản, dễ bị dập nát.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của ông Lê Văn Trung, một đầu mối chuyên đánh buôn các loại hoa quả Trung Quốc tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), loại dưa lưới vàng đang có bán tại các chợ dân sinh ở Hà Nội hầu hết là dưa Tàu.
"Mỗi đêm tôi xuất buôn cả chục tấn dưa lưới vàng Trung Quốc cho các đầu mối. Mỗi mối nhập cả tạ dưa loại này để về bán lẻ cho người dân", ông Trung nói.
Theo ông Trung, từ khi người Việt e ngại với các loại hoa quả Trung Quốc thì dân buôn dùng chiêu gắn mác Mỹ, Úc với các loại hoa quả Tàu,... hay thành đặc sản của Việt Nam. Dưa lưới vàng Trung Quốc cũng được tiểu thương gắn mác "dưa Việt" để dễ bán hàng hơn.
Ra chợ đầu mối sẽ rõ ngay hàng Tàu
Theo ông Trung, nếu muốn biết nguồn gốc loại dưa lưới vàng nói riêng và hoa quả nói chung, người dân cứ việc ra chợ đầu mối.
Chỉ có dân buôn hoa quả bán rong ngoài đường, hay dân buôn hoa quả tại chợ dân sinh mới áp dụng chiêu đánh tráo hàng Tàu thành hàng Việt, vừa dễ bán vừa lãi nhiều hơn. Còn tại chợ đầu mối, hàng Tàu là hàng Tàu, hàng Việt là hàng Việt, không có chuyện đánh tráo "quốc tịch" của các loại hoa quả, ông Trung cho hay.
Thừa nhận điều này, bà Nguyễn Thị Nga, một mối buôn hoa quả tại chợ đầu mối Long Biên, cho biết, 15 năm gắn bó với nghề buôn bán hoa quả tại chợ đầu mối, bà chưa thấy dân đổ buôn nói dối bao giờ. Mọi người thường công khai xuất xứ của các loại hoa quả mình bỏ sỉ cho các mối nhỏ lẻ.
"Là dân buôn với nhau thì không ai giấu đố làm gì cả. Thế nên, người dân nếu không muốn ăn hoa quả Tàu nên bỏ 1-2 buổi qua chợ đầu mối để tìm hiểu sẽ biết đâu là hàng Việt, đâu là hàng Tàu cũng như cách phân biệt giữa hoa quả Tàu và hoa quả nội", bà Nga nói.
Liên quan đến dưa lưới vàng, bà Nga nói rằng nếu chịu khó để ý, người mua sẽ phân biệt được ngay.
Theo bà Nga, dưa lưới vàng Việt Nam chưa được trồng phổ biến như các loại dưa hấu nên lượng bán ra không nhiều, chủ yếu được các cửa hàng, siêu thị gom hết. Các sạp hoa quả ở chợ dân sinh hầu như không nhập được bao giờ.
Đặc điểm của dưa lưới vàng Việt Nam cũng rất khác với dưa lưới vàng Trung Quốc. Ví dụ, dưa lưới vàng Việt Nam quả thường nhỏ, tròn, trọng lượng trung bình chỉ tầm 1 kg/quả, to nhất cũng chỉ 1,5 kg/quả.
Trong khi đó, dưa lưới vàng Trung Quốc thường có hình dáng thon dài (giống dưa hấu hắc mỹ nhân của Việt Nam). Vào thời kỳ chính vụ, dưa lưới vàng Trung Quốc thường nặng 3-4 kg/quả, có quả nặng tới 4,5 kg. Nếu không phải chính vụ, như thời điểm hiện tại, thì dưa lưới Trung Quốc chỉ nặng 2-2,5 kg/quả.
Về chất lượng, cả hai loại dưa ăn đều giòn. Riêng về độ ngọt, tuỳ vào thời tiết mà chúng sẽ có vị ngọt, nhạt khác nhau. Nhiều khi dưa vàng Trung Quốc ăn còn ngọt hơn dưa vàng Việt Nam và ngược lại. Thế nên, không thể dựa vào đặc điểm ngọt hay nhạt để phân biệt hai loại dưa với nhau.
Mời quý độc giả xem video Thực phẩm bẩn (nguồn VTV):
Theo Vietnamnet