Trong năm 2017, có tổng cộng 3.247 tấn vàng được khai thác từ các mỏ trên toàn cầu, giảm 5 tấn so với năm trước đó.
Trang Business Insider dẫn báo cáo GFMS Gold Survey 2018 cho biết nguyên nhân chính khiến sản lượng vàng của thế giới giảm là những lo ngại về môi trường, nhà chức trách ngăn chặn các hoạt động khai thác vàng trái phép, và chi phí gia tăng.
Trước đây, Nam Phi từng có thời gian dài là nước khai mỏ vàng lớn nhất thế giới, đào trên 1.000 tấn vàng vào năm 1970. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, danh sách các quốc gia có sản lượng vàng lớn nhất đã có nhiều thay đổi.
Dưới đây là 10 nước khai mỏ vàng nhiều nhất thế giới năm 2017 theo báo cáo GFMS Gold Survey 2018:
10. Ghana
Sản lượng vàng năm 2017: 101,7 tấn
Ghana là nước sản xuất vàng lớn thứ nhì châu Phi và cũng sở hữu nhiều mỏ khoáng sản công nghiệp khác. So với năm 2016, sản lượng vàng 2017 của Ghana tăng 7 tấn và chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.
9. Mexico
Sản lượng vàng năm 2017: 130,5 tấn
Dù sản lượng vàng của Mexico giảm 3 tấn trong năm 2017 so với năm 2016, nước này vẫn là một nguồn cung cấp vàng quan trọng của thế giới. Trong vòng 9 năm tính đến năm 2017, sản lượng vàng của Mexico đã tăng gần 51 tấn, một trong những tốc độ tăng sản lượng vàng mạnh nhất thế giới. Mexico hấp dẫn các công ty khai mỏ vàng nhờ chi phí khá thấp.
8. Nam Phi
Sản lượng vàng năm 2017: 139,9 tấn
Từng là nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới, Nam Phi đã chứng kiến sản lượng vàng giảm nhanh kể từ năm 2008. Tuy nhiên, nước này vẫn sở hữu mỏ vàng sâu nhất thế giới, mỏ Mponeng với độ sâu 2,5 dặm trong lòng đất.
7. Indonesia
Sản lượng vàng năm 2017: 154,3 tấn
Sản lượng vàng của Indonesia năm 2017 giảm 11,7%, khiến nước này giảm một bậc trong danh sách những nước sản xuất nhiều vàng nhất thế giới. Nguyên nhân là Chính phủ Indonesia mở một chương trình miễn thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chuyển tiền từ nước ngoài về nước. Sản lượng khai thác vàng của nước này giảm xuống do trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư không còn hào hứng với ngành khai mỏ.’
6. Peru
Sản lượng vàng năm 2017: 162,3 tấn
Đây là năm thứ 2 liên tiếp Peru chứng kiến sản lượng khai thác vàng giảm, với mức giảm 6 tấn, chủ yếu do Chính phủ ngăn chặn các hoạt động khai thác mỏ trái phép ở vùng La Pampa. Khai mỏ là một ngành trọng yếu của nền kinh tế Peru và nước này cũng là nước có sản lượng đồng lớn thứ ba thế giới.
5. Canada
Sản lượng vàng năm 2017: 175,8 tấn
Với sản lượng vàng tăng thêm 10 tấn trong năm 2017, Canada tăng 2 bậc trong xếp hạng này. Công ty khai mỏ vàng Seabridge Gold có trụ sở ở Toronto đã phát hiện được một mỏ vàng lớn ở vùng British Colombia, với trữ lượng ước tính 780 tấn. Đây có thể sẽ là một nguồn quan trọng giúp Canada tăng sản lượng khai thác vàng trong những năm tới.
4. Mỹ
Sản lượng vàng năm 2017: 230 tấn
Năm ngoái, sản lượng vàng của Mỹ tăng 8 tấn, đánh dấu năm tăng thứ tư liên tục, chủ yếu nhờ việc đẩy mạnh các dự án khai thác vàng ở Long Canyon, bang Nevada và ở Haile, bang South Carolina. Khoảng 78% sản lượng vàng Mỹ đến từ bang Nevada.
3. Nga
Sản lượng vàng năm 2017: 270,7 tấn
Nga đóng góp tới 83% sản lượng vàng của toàn châu Âu. Từ năm 2010 đến nay, sản lượng vàng của nước này không ngừng tăng. Riêng trong năm ngoái, sản lượng vàng của Nga tăng thêm 17 tấn cho dù đồng Rúp tăng giá 13% khiến chi phí khai mỏ tăng. Chính phủ Nga chính là khách hàng lớn nhất của ngành khai mỏ vàng nước này, mua vào khoảng 2/3 toàn bộ lượng vàng sản xuất trong nước.
2. Australia
Sản lượng vàng năm 2017: 295,1 tấn
Sản lượng vàng của Australia tăng 5 tấn trong năm ngoái, nhưng giới phân tích dự báo sản lượng vàng của nước này sẽ giảm trong những năm tới trừ phi vốn đầu tư khai thác tăng mạnh. Ngành khai khoáng chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Australia và đóng góp khoảng 8% GDP.
1. Trung Quốc
Sản lượng vàng năm 2017: 426 tấn
Trong suốt nhiều năm, Trung Quốc giữ vững vị trí nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới, chiếm 13% tổng sản lượng khai thác vàng toàn cầu. Năm ngoái, sản lượng vàng của nước này giảm 6% do những nỗ lực của Chính phủ về chống ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sản lượng vàng của Trung Quốc được dự báo tăng trong năm 2018 do nhiều mỏ được nâng cấp.
Theo Diệp Vũ/VnEconomy