Đặt ra mục tiêu ngay từ đầu
Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn bắt buộc phải thực hiện. Hãy đưa mình vào kỷ luật và vạch ra chỉ tiêu cho mình. Nếu tiết kiệm 5 năm, 10 năm với bạn là xa vời và dễ chán nản thì hãy quyết tâm thực hiện kế hoạch trong 1 năm.
Bước đầu tiên của việc đặt ra mục tiêu tiết kiệm là tiết kiệm bao nhiêu phần trăm tổng thu nhập năm của bạn để ra số tiền cụ thể. Thông thường với những người còn độc thân có thể tiết kiệm tối thiểu 20% và tối đa 50% tổng thu nhập là cách tốt nhất.
Thử làm một phép tính đơn giản, mức lương của bạn là 10 triệu đồng/tháng. Bạn đặt mục tiêu tiết kiệm 1 năm là 36 triệu đồng, như vậy mỗi tháng bạn cần tiết kiệm 30% thu nhập (3 triệu đồng). Kiên trì và nghiêm túc thực hiện, sau 1 năm chắc chắn bạn sẽ có số tiền như mục tiêu đã đặt ra.
Bạn có thể đăng ký tiết kiệm tự động, tức là mỗi tháng khi có lương, ngân hàng sẽ tự động chuyển một khoản sang sổ tiết kiệm của bạn. Bằng cách này, bạn sẽ không lo lắng về việc mình có thực hiện được hay không.
Ghi chép chi tiêu
Bạn cần nắm chắc việc mình chi tiết hết bao nhiêu tiền một tháng và tiêu cụ thể những việc gì.
Hãy theo dõi mọi khoản chi, từ tiền mua cà phê, báo, đồ ăn cho đến tiền nhà, điện nước... Khi đã có dữ liệu, hãy phân loại từng khoản, ví dụ như xăng, tạp hóa, trả nợ... Từ đó bạn sẽ thấy ngay được khoản nào có thể cắt giảm, khoản nào không. Nếu còn tiêu theo kiểu thấy hết tiền mà không nhớ nổi đã tiêu gì thì rất khó lên kế hoạch phù hợp.
Thực hiện quy tắc 24 giờ
Nhiều lúc chúng ta mua sắm vì cảm xúc, chứ không phải cần thiết. Để cắt giảm chi phí không thực sự cần, bạn nên tuân theo quy tắc 24 giờ. Hãy đợi một ngày rồi mới mua hàng. Cảm xúc sẽ dịu xuống và cuối cùng bạn có thể nhận ra mình có muốn món đồ đó không. Một khi áp dụng quy tắc này bạn sẽ ngạc nhiên về số lượng đồ đạc đã tránh phải rước về nhà.
Quy tắc 50-30-20
Cố vấn tài chính nổi tiếng thế giới Sallie L. Krawcheck đưa ra một lời khuyên rất hữu ích cho những ai muốn học cách quản lý chi tiêu, bao gồm việc dành ra 50% khoản tiền bạn kiếm được cho các nhu cầu thiết yếu (điện nước, tiền nhà, nhu yếu phẩm, thực phẩm, phương tiện, vân vân), 30% cho những thứ bạn "muốn" (những điều khiến bạn vui như du lịch, xem phim, v.v.), và 20% để cho bạn trong tương lai (tiết kiệm, đầu tư hay trả nợ).
Quy tắc này có thể không dễ đạt được, nhưng bạn có thể thay đổi một chút cho phù hợp với cuộc sống của mình.
Hạn chế các cuộc gặp mặt không quan trọng
Bạn nên xác định rõ cuộc gặp nào cần thiết, cuộc gặp nào không cần. Với những người cần duy trì quan hệ, bạn nên gặp gỡ, giao lưu.
Ngược lại, nên học cách từ chối và giảm thiểu tối đa cuộc gặp không thiết yếu. Ví dụ như gặp mặt một nhóm bạn quen trên mạng, bạn từ cấp 1... những người mà đã rất lâu bạn không còn liên hệ chả hạn. Những mối quan hệ có để cho vui tốt nhất nên dừng lại.
Đi mua sắm một mình
Đi mua sắm với bạn bè, chắc chắn bạn sẽ tiêu nhiều tiền hơn, do ghé thăm nhiều nơi, nhận được nhiều cổ vũ. Hơn nữa, tâm lý chung của nhiều người là muốn mình bằng bạn bằng bè, nên thường sẽ chi nhiều tiền hơn.
Vì thế khi gặp bạn bè hãy đi công viên, cà phê thay vì cùng mua sắm. Cũng đừng bao giờ lấy mua sắm để giải khuây.
Đừng “coi thường” tiền lẻ
Chúng ta thường có xu hướng chỉ muốn cất giữ những đồng tiền có mệnh giá lớn coi thường những đồng tiền lẻ, có thể vứt lung tung ở đâu dó rồi quên hoặc có xu hướng “tiêu đại cho gọn”, hễ cứ có tiền lẻ là chi tiêu hết. Tuy nhiên, bạn hãy giữ lại những đồng tiền lẻ này trong vòng một tháng để xem kết quả nhé. Mặc dù chúng có giá trị nhỏ nhưng khi góp nhặt được nhiều thì con số mà bạn có được sẽ không hề ít đâu nhé.
Ăn tối và ăn sáng ở nhà
Mỗi bữa cơm ở nhà do tự tay bạn nấu chỉ có giá khoảng vài chục nghìn nhưng nếu ăn ở nhà hàng thì con số ấy sẽ tăng lên gấp vài lần. Giảm bớt các bữa ăn sáng và ăn tối tại các quán ăn, nhà hàng sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều tiền đấy. Bạn cố gắng dậy sớm 30 phút vào buổi sáng và chuẩn bị một bữa ăn sáng tại nhà cùng gia đình.
Bên cạnh đó, hãy dành thời gian vào cuối tuần để đi siêu thị, lập thực đơn cho các bữa tối trong tuần và chọn mua các loại thực phẩm để nấu các bữa tối trong tuần. Điều này vừa giúp các thành viên trong gia đình thêm gắn kết, bữa ăn đủ dinh dưỡng và hợp vệ sinh và còn là cách tiết kiệm tiền nhanh nhất nữa.
Tái đầu tư
Nếu có thể, bên cạch việc tiết kiệm, bạn có thể học hỏi để đầu tư vào một lĩnh vực sở trường nào đó. Tuy nhiên, để có thể đảm bảo và sinh lời, bạn nên am hiểu và cân nhắc cẩn thận.
Đầu tư có thể là kinh doanh, buôn bán, cho vay có lãi, … Đồng tiền ngày một mất giá, hãy tìm cách để tiền sinh lợi nhuận, tăng thêm giá trị và tiết kiệm cho mỗi chúng ta.
Chăm sóc thật tốt cho bản thân
Cuối cùng, đây là điều quan trọng nhất. Hãy yêu thương và chăm sóc thật tốt bản thân mình. Dù có yêu tiền đến mấy cũng đừng bán mạng làm việc.
Hãy sắp xếp thời gian làm việc hợp lý, tập thể dục đều đặn, ăn uống khoa học. Bạn phải khỏe mạnh, sống lâu để có thể chờ khi già đi được hưởng thành quả cả đời phấn đấu của mình.
Hãy trau dồi tri thức, đọc nhiều sách vở, học những kỹ năng mềm. Tận hưởng cuộc sống một cách lành mạnh nhất, hãy làm những điều mình yêu một cách hạnh phúc, đó cũng là một loại giàu có về tinh thần mà ai cũng nên có.
Theo Thạch Thảo/ Khoevadep