Trong những năm gần đây, việc tăng dân số quá nhanh đã khiến nhiều người dân ở Ấn Độ buộc phải mở rộng đất canh tác nông nghiệp tới gần những Vườn quốc gia hoặc Trung tâm bảo vệ động vật hoang dã. Chính điều đó khiến diện tích sinh sống của nhiều loài động vật, trong đó có loài hổ bị thu hẹp lại khá đáng kể.
Cũng từ việc diện tích sinh sống bị thu hẹp đã khiến nguồn thức ăn của hổ cũng khan hiếm dần. Vì vậy, chúng thường lần mò tới những ngôi làng ở bìa rừng để săn giết gia súc làm thức ăn. Thậm chí, ngay cả con người cũng dễ dàng trở thành “bữa ăn” cho “chúa sơn lâm”.
Theo tờ Daily Mail, chỉ tính riêng trong 12 gần đây, làng Lakhimpur Kheri thuộc miền Bắc Ấn Độ đã có 22 người bị hổ giết chết. Được biết, nạn nhân đa phần đều là người nông dân canh tác nông nghiệp ở gần rừng hoặc đi vào rừng để khai thác lâm sản.
|
Xung đột giữa nông dân sống gần những khu bảo tồn động vật hoang dã ở Ấn Độ và loài hổ đang ngày càng căng thẳng khi hổ giết nhiều người vì đói, còn người giết hổ để trả thù |
Chứng kiến điều này, người nhà của những người bị hổ giết chết và nhiều người khác đã tỏ ra cực kỳ bức xúc. Thậm chí, họ còn yêu cầu chính quyền địa phương phải giết chết những con hổ từng ăn thịt người, bất chấp chúng là loài động vật quý hiếm, cần được bảo vệ khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Mới đây, đã có 2 con hổ bị giết chết ở khu vực gần làng Lakhimpur Kheri. Trong đó, 1 con từng ăn thịt người bị cơ quan chức năng bắn chết, còn con thứ 2 bị dính bẫy đặt trong vườn mía của nông dân và tử vong.
Hiện tại, các chuyên gia cũng như người yêu quý động vật hoang dã đã lên tiếng phản đối rất kịch liệt về việc giết hổ. Bởi vì, dù chúng đã có hành động giết người, nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là do tự con người chúng ta đưa mình tới chỗ nguy hiểm.
Cần phải biết rằng, đa số các loài động vật hoang dã nói chung và loài hổ nói riêng đều có bản năng sợ con người. Thế nhưng, khi bị dồn vào đường cùng hoặc quá đói, chúng sẵn sàng giết người để làm thức ăn.
Trong khi, vì lợi ích cá nhân, con người sẵn sàng tàn phá thiên nhiên vô tội vạ. Qua đó, khiến diện tích sống của các loài động vật hoang dã ngày càng thu hẹp lại và khiến chúng buộc phải ra khỏi rừng để kiếm thức ăn rồi chạm trán với con người.
Nếu chuyện này tiếp tục diễn ra thì chắc chắn, xung đột giữa con người và loài hổ sẽ ngày càng trở nên căng thẳng.
Theo Tiền Phong