Ông Hans-Andre Tooren (52 tuổi) và vợ là bà Beate (47 tuổi) lấy nhau đã được nhiều năm nhưng họ không hề biết có một "kho báu" nằm dưới đất nhà mình. Cho tới khi xây nhà trên dự án rộng 3.000m2 ở thị trấn Zinnwald, thành phố Altenberg (miền Đông nước Đức) vào năm 1998, ông Hans-Andre mới nghe nói về một hầm mỏ cũ từ thời Trung Cổ ở đó.
|
Vợ chồng ông Hans-Andre Tooren. |
Song mãi gần đây, thị trấn nhỏ nơi ông Hans-Andre sinh sống đã tràn ngập các nhà khai thác và nhà địa chất tới lấy mẫu xem xét. Mới đây, một công ty khoáng sản của Canada đã tìm thấy 96.000 tấn lithium trong đường hầm khai thác mỏ cũ thuộc phần đất của gia đình ông Hans-Andre và một số người dân khác sinh sống ở thị trấn này.
Lithium là một loại khoáng sản quý hiếm và có giá trị công nghiệp cao. Giá trị ước tính của "kho báu" này lên tới 5 tỷ bảng Anh (tương đương 6,97 tỷ USD, hay 158.442 tỷ đồng).
|
Luật pháp của Đức quy định "chủ sở hữu đất đai sẽ không được phép sử dụng nguồn khoáng sản có trong đất của họ, nguồn khoáng sản này được quản lý bởi Nhà nước". |
Ai cũng nghĩ rằng ông bà Hans-Andre sẽ trở thành tỷ phú với phát hiện này. Tuy nhiên, ông bà Hans-Andre và một số người dân khác sẽ chẳng nhận được một xu nào, dù việc khai thác kho báu này sẽ được thực hiện trực tiếp trên đất nhà họ.
Theo luật khai thác khoáng sản của Đức, chủ đất không có quyền đối với các kim loại trên đất nhà mình mà nó thuộc quyền sở hữu của quốc gia.
Mặc dù rất nhiều người dân địa phương tỏ ra buồn bã vì lỡ cơ may phát tài, nhưng ông Hans-Andre vẫn vui vẻ. "Thành phố của chúng tôi sẽ thu được lợi ích to lớn từ hoạt động khai thác mỏ, sẽ có nhiều tiền hơn cho các hoạt động công ích như xây dựng trường học, đường sá", ông Hans-Andre tâm sự.
Theo truyền thông địa phương, hoạt động khai thác sẽ không ảnh hưởng gì tới nhà cửa và cuộc sống của những người dân trong thị trấn Zinnwald và việc chế biến quặng sẽ được tiến hành bên ngoài thị trấn.
Theo Anh Tuấn/Vietnamnet