Cá mập được coi là sát thủ trong lòng đại dương, với bộ hàm to khỏe, những chiếc răng sắc nhọn, cú đớp của chúng có thể xâu xé con mồi ra thành trăm mảnh. Nếu ngư dân không may trượt chân ngã xuống biển sẽ biến thành miếng mồi khi chúng bơi ngang qua.
Ấy vậy mà từ xa xưa ngư dân các tỉnh miền Trung đã gan dạ, kiên cường vượt biển ra tận ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa để săn lùng loài cá mập hung dữ này như một nghề mưu sinh.
Bỏ mạng như chơi
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi ghé thăm Phú Yên - cái nôi của nghề câu cá ngừ đại dương và cũng là nơi nhiều ngư dân hành nghề săn cá mập, mà người dân hay gọi là “câu to” để phân biệt với nghề “câu nhỏ” thông thường ở vùng biển gần bờ.
Để tìm hiểu về nghề “câu to”, chúng tôi có mặt tại cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa khi trời mới tờ mờ sáng để đón những chiếc tàu của ngư dân trở về sau một chuyến biển đánh bắt kéo dài hàng tháng ở khơi xa.
Anh Cao Văn Lộc, cán bộ Ban quản lý cảng cá phường 6, người sắp xếp việc neo đậu tàu cá cập cảng lúc này cũng có mặt. Hỏi thăm về những chuyến biển đánh bắt gần đây của ngư dân, anh Lộc cho hay: “Năm nay, nghề câu cá ngừ đại dương của ngư dân “đói” lắm. Nhiều tàu đánh bắt không đạt sản lượng nên thua lỗ. Các tàu câu bây giờ phải kiêm nhiều nghề đánh bắt hoặc chuyển đổi nghề khác mới có ăn. Nổi lên nghề hiện này là “câu to”. Nếu như trước đây chỉ vài tàu đi nghề này, thì hiện nay trong tổng số gần 200 tàu của phường 6 đã có khoảng 30% tàu chuyển sang".
Tôi hỏi: “Như vậy nghề “câu to” trúng lắm sao? Anh Lộc nói: “So với mọi năm, năm nay ngư dân có lãi khá”. Theo anh Lộc, từ đầu năm đến nay mỗi tàu đã vươn khơi đến chuyến thứ ba, riêng nghề “câu to” hầu hết đều có lãi. Trung bình mỗi tàu đánh bắt được trên 4 tấn, cá biệt có tàu được trên 10 tấn. Nhờ giá cả ổn định, các bộ phận của cá được thu mua hết chứ không như trước đây chỉ mua vi (vây) cá và da, do đó ngư dân phấn khởi hơn.
Vừa trò chuyện dứt lời, lúc này mặt trời đã lên cao cũng là lúc các tàu đánh bắt cập bến. Trong số những chiếc tàu cập cảng, tàu PY 96572 TS do anh Nguyễn Thành Hiệp (phường 6) làm thuyền trưởng, hành nghề “câu to” đã trúng mẻ cá hơn 15 tấn, sau khi trừ chi phí tàu anh lãi 150 triệu đồng; mỗi thuyền viên được chia 15 - 17 triệu đồng.
|
Vi cá mập sau khi thu mua về làm sạch sau đó luộc mềm và tước cước |
Gặp chúng tôi, anh Hiệp cho biết, số cá mập nói trên được tàu anh đánh bắt ở ngư trường Trường Sa sau hơn 1 tháng vươn khơi. Đây là chuyến biển có lãi cao nhất sau 3 chuyến đánh bắt.
Tâm sự về nghề, anh Hiệp gói gọn 2 chữ “nguy hiểm”. Bởi theo anh, so với các nghề đánh bắt khác, nghề săn cá mập đầy rẫy hiểm nguy, gian nan, nhiều lúc bám trụ giữa mưa gió lớn, sóng biển đánh mạnh lên boong tàu trắng xóa, chân đi không vững… nhưng vẫn “câu to” vì lúc đó cá mập di chuyển nhiều nhất.
“Thực tế nhiều ngư dân săn cá mập đã bị tai nạn nghề nghiệp và phải đánh đổi bằng chính mạng sống của mình. Thế nhưng, dù nghề đầy rẫy hiểm nguy nhưng với ngư dân, nghề đã thấm vào máu thịt rồi”, anh Hiệp bộc bạch.
Lão ngư Phan Thuẫn, người có thâm niên trong nghề “câu to” nay nghỉ đi biển đảm nhận chức vụ Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 cho biết: Nghề “câu to” có từ bao giờ thì không ai rõ, chỉ biết có từ xa xưa do ông cha truyền nghề lại. Thuở ban đầu tàu thuyền thô sơ hơn, lưỡi câu tự chế nhưng ông cha đã kiên cường vượt biển săn loài cá hung dữ này. Vất vả lắm!
Để câu được cá, ngư dân phải bắt mồi trước. Đầu tiên mua cá cơm nhỏ làm mồi để câu cá đổng; rồi từ cá đổng làm mồi câu cá lị, cá lạc. Cuối cùng lấy cá lị, cá lạc mới làm mồi chính để câu cá mập. Tuy nhiên, ngày nay mồi câu dễ kiếm hơn, các tàu câu không mang theo mồi nữa mà chạy ra thẳng ra biển mua mồi sống như mực xà, cá mú… từ các tàu đánh bắt hoặc dùng lưới để lặn bắt ở các bãi san hô.
|
Cước được phơi một nắng |
Để câu được cá mập phải ra đúng ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa khu vực có các bãi rạng, nơi cá mập trú ngụ. Mỗi giàn câu gồm nhiều bọc câu. Trong mỗi bọc có nhiều sợi cước to như đầu đũa buộc chặt những lưỡi câu bằng thép inox to cũng tương tự. Giàn câu của tàu lớn có tới cả ngàn lưỡi, thả hết xuống dài khoảng 20 hải lý. Thông thường thả câu từ 3 - 6 giờ tối.
Tới rạng sáng hôm sau thì thu câu cho tới 9 - 10 giờ mới xong. Hầu hết cá mập bắt được đều đã chết, nếu con nào còn sống thì kéo lên mặt nước dùng cây sắt nhọn đâm vào lưng cho chết hẳn trước khi đưa lên tàu. Những con to nặng cả tạ phải dùng máy tời kéo lên. Cá được đưa lên tàu sẽ cắt ngay vi cá để bảo quản riêng, còn phần thịt cho xuống hầm ướp đá.
Giá trị thực thụ của cá mập
Giá trị thực thụ cá mập không nằm ở thịt cá mà nằm ở vi cá của nó. Thịt cá được thương lái thu mua về chế biến thức ăn hay làm chả cá dao động từ 12.000 - 15.000 đ/kg, thế nhưng với vi cá thì mỗi kg dao động từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng/kg (tươi). Tuy nhiên, có những vi cá cũng là cá mập nhưng thuộc loài cá mập chuột hay mập thằn lằn thì giá rẻ hơn, chỉ 200.000 - 500.000 đ/kg.
Theo các chủ thu mua vi cá, sở dĩ giá vi cá mập chuột hay mập thằn lằn thu mua thấp bởi các vi này ít cước mà chủ yếu là sụn cá. Trong khi đó chất lượng vi cá dinh dưỡng cao nằm ở cước cá. Tuy nhiên, những năm gần đây việc ngư dân “săn” được vi cá mập thật thụ (cá mập trắng) chế biến ra nhiều cước cũng thưa dần.
|
Vi cá có nhiều loại, giá bán từ vài trăm cho đến hơn chục triệu đồng/kg |
Bà Phan Thị Liên, chủ một cơ sở chế biến vi cá mập ở phường 6, cho biết cách làm ra vi cá thành phẩm: Vi cá tươi sau khi được thu mua về sẽ dùng dao cạo sạch lớp da màu đen bên ngoài. Tiếp đến cho vào nồi luộc cho đến khi vi mềm ra rồi vớt ra thau nước lạnh để làm nguội. Sau đó vi cá được tước ra thành sợi cước nhỏ mang đi phơi đủ 1 nắng là được.
Cũng theo bà Liên, để chế biến ra 100 gram vi cước cá thành phẩm tương ứng với 1kg vi cá tươi. Giá vi cá được bán ra thị trường nhiều chủng loại, thấp nhất từ 200.000 - 500.000 đ/kg (đối với cước cá mập thằn lằn hoặc cá mập chuột có ít cước); loại trung bình từ 5 - 7 triệu/kg (loại đúng cá mập nhưng cước nhiều hơn, kích thước vi cá nhỏ hơn 40cm) và loại đặc biệt lên đến 10 - 12 triệu/kg (đây là loại cá mập có cước nhiều, kích thước vi cá lớn hơn 40cm). Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh như Nha Trang, TP.HCM... hay xuất sang Trung Quốc.
Qua tìm hiểu được biết, vi cá mập được sử dụng làm thực phẩm cách đây hàng ngàn năm nhưng các nhà khoa học mới quan tâm đến tác dụng của vi và sụn cá mập tới bệnh tật từ những năm 1950 - 1960.
Chất Chondroitin có trong sụn vi cá mập thường được chế biến thành những loại thuốc có tác dụng chữa trị các bệnh về xương khớp, kích hoạt các men xúc tác cho quá trình tổng hợp axit hyaluronic. Ngoài ra chất này trong vi cá mập còn có tác dụng tốt cho mắt và bồi bổ cơ thể cung cấp canxi, kẽm… có công dụng thúc đẩy sự phát triển của xương, răng, các enzyme tiêu hóa, hoạt động của thận và tuyến tiền liệt…..
Theo thống kê của các nhà khoa học, hiện nay trên thế giới có hơn 420 loài cá mập với các kích cỡ khác nhau. Những nước đánh bắt và tiêu thụ vi cá mập lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Nước ta có nhiều vùng khai thác cá mập như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. |
Theo Nông Nghiệp VN