Trấn Quý Tự, Quảng Đông, Trung Quốc là một nơi được gọi là "nghĩa trang di động cũ".
Mỗi năm, có rất nhiều điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ cũ, hỏng được tập kết về đây. Với nhiều người, đó là phế thải, thế nhưng trong mắt của những người dân ở đây, chúng được gọi là tài sản rất giá trị.
Hầu hết, người dân địa phương nơi đây đều tham gia vào công việc gọi là "giả kim thuật", thực chất là lọc kim loại.
Thông thường, họ sẽ làm nóng bảng mạch của những chiếc điện thoại di động, các thiết bị điện tử cũ, hỏng để tách lấy kim loại đồng. Sau đó lại làm ướt và sử dụng axit mạnh để tách lấy kim loại khối khác.
Mời quý vị xem video: Ngôi làng chênh lệch 20 độ trong một ngày
Theo báo cáo, cứ khoảng 1 tấn phế liệu điện tử có thể trích xuất ra 300gram vàng, 3kg bạc và 100kg đồng.
Phương pháp tinh chế như vậy kỳ thực rất nguyên thủy. Thủy ngân, chì và các chất độc hại khác cũng sẽ được sử dụng trong quá trình. Điều này không chỉ gây ô nhiễm nước và không khí mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể của người làm việc.
Thế nhưng, vì "giả kim thuật" thực sự đem đến lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với làm nông nghiệp, lâm nghiệp, vì vậy, vẫn nhiều người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để làm.
Theo thống kê, 80% người dân địa phương bị ung thư vì hít phải khí độc hại và sử dụng nước nhiễm kim loại nặng trong thời gian dài. Điều tra của Đại học Y khoa Sán Đầu phát hiện ra rằng, trẻ em ở Quý Tự có mức độ nhiễm độc trì trong máu cao hơn hẳn trẻ em ở những vùng khác.
Hiện tại, Quý Tự không chỉ là "nghĩa trang di động", "đống rác công nghệ" mà còn được gọi bằng cái tên chỉ nghe thấy cũng rùng mình "ngôi làng ung thư".
Dân số của trấn Quý Tự chỉ có khoảng 200.000 người, thế nhưng nơi đây được coi là nơi xử lý chất thải điện tử lớn nhất thế giới. Lượng chất thải điện tử được xử lý mỗi năm lên đến 10 triệu tấn.
Có người khi ghé thăm Quý Tự đã phải thốt lên ngạc nhiên: "Khi tới Quý Tự, bạn sẽ thấy rất nhiều rác thải điện tử trôi nổi trên sông, không khí thì đặc quánh một mùi hăng hăng. Tôi không thể tưởng tượng nổi tại sao người dân có thể sống trong môi trường như thế".
Thế nhưng, câu hỏi liệu dùng sức khỏe, tính mạng để đổi lấy sự giàu có có xứng đáng hay không, chỉ có người dân ở Quý Tự mới có câu trả lời của riêng họ.
Kiều Dụ (Theo TM)