Mỗi làng của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có một khu nghĩa địa riêng để táng người chết. Riêng người Giẻ, họ tìm nơi nào có nhiều cây gỗ lớn và những bụi lồ ô to, âm u, ít người qua lại, cách xa buôn làng làm nghĩa địa.
Khu rừng thiên táng của làng Vai Trang (xã Đăk Long, Đăk Glei, Kon Tum) do già làng A Jáp cùng những người lớn tuổi trong làng chỉ định đến nay không còn “treo” quan tài nữa, nhưng những chiếc quan tài treo vẫn chẳng hề mất đi theo năm tháng.
|
Một phần tài sản được người sống chia cho người đã khuất còn sót lại. |
Chính vì niềm tin tuyệt đối đó nên nếu trong nhà có người chết, những thành viên trong gia đình cũng như bà con trong buôn làng phải lo chôn chất, cúng vái theo đúng phong tục. Nếu như làm sai bất cứ điều gì, khiến cho linh hồn người chết nổi giận thì sẽ có tác hại khôn lường.
Thường những người già hoặc người bị bệnh, biết trước sẽ chết ở làng Vai Trang đều được làm sẵn một cỗ quan tài. Già làng A Jáp cũng từng được con cháu trong nhà làm sẵn một cỗ quan tài bằng gỗ sổi để khi chết có thể đem vào “rừng ma” đặt trên cọc gỗ.
Ông A Tùng (SN 1973, con út già làng A Rap) kể: “Khi trong nhà có người già, nhà sẽ nhờ những người khỏe mạnh trong làng vào rừng đốn gỗ, chuẩn bị một cỗ quan tài thật chắc đặt ở gần nhà chờ lo hậu sự”.
|
Số tài sản người sống chia cho người chết được để ngay dưới quan tài. |
Đến lúc người đó chết, việc làm đầu tiên của những thành viên trong gia đình, dòng họ là phải nhanh chóng đưa người chết vào hòm rồi khiêng ra khu rừng treo lên. Mọi việc được tiến hành càng nhanh càng tốt để tránh tình trạng “con ma” quyến luyến người nhà.
“Nhà mình mổ 2 con heo, 1 con bò để nhờ người làng làm quan tài cho nó (già làng A Jáp – PV) để treo, nhưng giờ nhà nước không cho phép nên bỏ đó bị hư rồi”, ông A Nha (52 tuổi, con rể già làng A Jáp) cho biết.
Những người Giẻ tại làng Vai Trang cho rằng, chỉ người giàu có, quyền quý mới được để quan tài lên trên mặt đất, còn những gia đình nghèo khổ thì không được để vậy, mà phải chôn xuống lòng đất. Vì theo lý giải của người làng, những gia đình nghèo không có bò và lợn để giết mời làng, nên không làm được quan tài, sẽ xấu hổ với làng xóm, có tội với người chết.
Tuy nhiên, thực tế thì giai đoạn những năm cuối thế kỷ 20, tất cả người chết đều được thiên táng. Những quan tài của người giàu được làm bằng những loại gỗ tốt hơn, người nghèo thì gỗ thường.
Khi gỗ rừng bắt đầu khan hiếm và bị cấm khai thác, người giàu tại làng Vai Trang bắt đầu mua những cỗ quan tài đắt tiền bằng nhôm hoặc tự chế bằng tôn sắt để treo người thân của mình lên.
Từ nghi thức “treo” quan tài
Khi trong nhà có người chết, người thân sẽ khiêng quan tài ra nghĩa địa trước, sau đó mới khiêng người chết tới, cho vào quan tài rồi mới để lên giá gỗ hay những kệ cao đã được chuẩn bị trước.
Người Giẻ làm rất nhanh lễ an táng. Họ thường đem đi táng ngay chứ không để lâu trong nhà như nhiều dân tộc khác. Những người đến viếng cũng không được lại gần, tuyệt nhiên không một ai dám nhìn mặt người chết lần cuối. Vì người Giẻ cho như vậy là xúc phạm đến vong linh người đã khuất, sau này khi “con ma” tức giận sẽ tìm về quấy nhiễu hoặc bắt đi theo.
|
Người Giẻ xưa không chôn người chết mà "treo" quan tài ở những khu rừng vắng và rậm rạp. |
Trong tâm thức người Giẻ, họ cho rằng người chết cũng cần làm ăn, sinh sống như những người còn sống. Nên phần lễ để người chết đem theo về thế giới mới rất được coi trọng. Họ thường chia cho người chết một ít của nả như chiêng, ché, bầu nước, gạo, bắp... để người chết có đủ điều kiện mà không về quấy nhiễu người thân và làm hại dân làng nữa.
Khi trở về nhà, gia đình có người chết phải mổ trâu, bò, heo, gà và chuẩn bị rượu cần để cúng vái cho con ma được mồ yên, mả đẹp. Tuy nhiên, cũng như nhiều tộc người khác, người Giẻ coi những nghi thức này là cách thể hiện sự thương yêu, quan tâm với người đã khuất.
Linh hồn những con vật này sẽ được người chết đem về thế giới bên kia để phục vụ cuộc sống mới. Phần xác chia đều cho mọi người ăn uống hoặc mang về như một lời tạ ơn dân làng đã đến chia buồn cùng gia đình.
“Sau khi hoàn thành thêm một số thủ tục như quét nhà, đem cơm ra cho người chết trong một thời gian nhất định tùy điều kiện gia đình, người ta không còn đi thăm mộ nữa vì sợ sẽ làm kinh động đến “con ma”, nó sẽ thức dậy và trở về quấy phá người nhà”, ông A Tùng chia sẻ.
Đến tục an táng nổi người chết
Dù tục táng treo của người Giẻ ở làng Vai Trang (xã Đăk Long) và những làng khác tại huyện Đăk Gkei (Kon Tum) không còn nữa, nhưng giờ đây người Giẻ lại chuyển sang một hình thức mai táng mới.
|
Khi được chính quyền tuyên truyền, người Giẻ không "treo" quan tài nữa mà biến tấu nó thành táng nổi người chết. |
Theo quan sát của chúng tôi, dọc đường vào làng Vai Trang, hàng loạt ngôi mộ mới được người dân xây dựng sát bên đường. Có những ngôi mộ được xây sẵn, mở nắp, đợi khi có người chết, người Giẻ sẽ cho vào quan tài rồi đặt vào trong những ngôi mộ sẵn đó, đậy lại bằng nắp xi măng.
Như vậy, quan tài của người chết vẫn không hề nằm dưới lòng đất mà nổi ở phía trên. Hình thức táng nổi này vẫn gây ra nhiều hệ lụy khi mùi xác thối có thể thoát ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ về bệnh tật cao.
|
Những ngôi mộ của người Giẻ ngày nay được xây sẵn để chờ bỏ người chết |
Điều đó cho thấy rõ ràng là thiên táng vẫn chưa được xóa bỏ triệt để mà thực chất mới chỉ làm giảm được phần nào mà thôi. Hiện nay, tập tục này đã biến tấu thành phiên bản mới, đang dần bám chắc vào đời sống và ý thức của người Giẻ tại Kon Tum.