Khép lại năm 2017, Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) vừa công bố Báo cáo các loài kỳ lạ, được biên soạn từ các công trình nghiên cứu của hàng trăm các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới. Theo đó, trong số 115 loài mới được phát hiện tại khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, Việt Nam có 65 loài, Thái Lan 33 loài, Myanmar 5 loài, Lào 15 loài, Campuchia 7 loài.
|
Thằn lằn cá sấu. Nguồn: WWF. |
Báo cáo chỉ ra, trong 115 loài được phát hiện được phát hiện trong năm qua có 11 loài lưỡng cư, hai loài cá, 11 loài bò sát, 88 loài thực vật và 3 loài động vật có vú.
Đi sâu vào bản báo cáo, có thể nhận thấy, trong số 115 loài này còn bao gồm 1 loài ếch có màu sắc tuyệt đẹp được tìm thấy tại các dãy núi đá vôi của Việt Nam, 2 loài chuột chũi được phát hiện bởi một nhóm các nhà khoa học Nga - Việt, và 1 loài cá tại Campuchia có thân dài và đường vân vằn đậm nét. Các phát hiện này đã nâng tổng số các loài được tìm thấy tại khu vực, gồm các loài thực vật, chim, động vật có vú, bò sát, cá và lưỡng cư, từ năm 1997 tới 2016, thành tổng cộng 2.524 loài.
Theo ông Stuart Chapman- Trưởng đại diện WWF-Greater Mê Kông: “Cứ một tuần, hơn hai loài mới được phát hiện và con số hơn 2.500 loài trong 20 năm qua đã cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng đối với sự đa dạng sinh học toàn cầu. Và mặc dù khu vực đang phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa, những phát hiện này tiếp thêm hy vọng cho chúng ta rằng các loài từ loài hổ to lớn cho tới loài rùa nhỏ bé đều có cơ may sống sót”.
Trong số những loài mới phát hiện ở Việt Nam, nổi bật có loài thằn lằn cá sấu Việt Nam (Shinisaurus crocodilurus vietnamensis) có kích thước trung bình, sống ở vùng nước ngọt và các khu rừng thường xanh tại miền Bắc Việt Nam và phía nam Trung Quốc. Ước tính chúng chỉ còn khoảng 200 cá thể tại Việt Nam. Đáng lo ngại hơn loài này đang bị đe dọa tuyệt chủng do sinh cảnh bị phá hủy, tác động từ hoạt động khai thác than và bị buôn bán làm thú cưng.
2 loài chuột chũi (Euroscaptor orlovi và Euroscaptor kuznetsovi) được phát hiện tại các con sông suối của miền Bắc Việt Nam đã cho các nhà khoa học cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử và sự hình thành của các loài động vật có vú tại khu vực Đông Dương. Tiến sĩ Alexei Abramov- một trong những người phát hiện ra 2 loài này nhận định: Một trong những lý do các loài chuột chũi có thể phát triển ổn định quần thể đó là do chúng sống dưới mặt đất, trong các khu vực được bảo vệ và do đó tránh bị săn bắt bất hợp pháp.
Ngoài ra, một loài ếch có màu sắc rực rỡ, Odorrana Mutschmanni, được nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Nguyễn Trường đứng đầu phát hiện tại khu vực rừng núi đá vôi phía Bắc, cùng với 4 loài mới khác. Các loài này bị đe doạ bởi các hoạt động khai thác đá làm xi măng và xây dựng đường sá. Ngôi nhà của chúng cần được bảo vệ ngay lập tức.
Ông Chapman nói: “Các loài của khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng giống như những tác phẩm nghệ thuật, và chúng xứng đáng được bảo vệ khỏi những kẻ săn lùng vô nhân đạo – sẵn lòng trả hàng nghìn USD để sở hữu những loài độc đáo nhất, quý hiếm nhất và bị đe dọa tuyệt chủng nhất. Chợ tại khu vực Tam giác vàng hoạt động ngang nhiên do đó các chính phủ trong khu vực cần thắt chặt hơn việc thực thi pháp luật để chấm dứt săn bắt bất hợp pháp, đóng cửa các chợ này và các trang trại nuôi nhốt hổ và gấu”.
Còn nhớ, năm 2016, WWF cũng đã công bố báo cáo phát hiện 87 loài ở Việt Nam. Đáng chú ý, tại Tây Nguyên, các nhà khoa học tìm thấy một loài dơi có đám lông dày trên đầu và cánh. Theo TS Văn Ngọc Thịnh, Việt Nam là một trong những quốc gia có độ đa dạng sinh học cao trong khu vực. Nhưng chúng hiện đang phải đối mặt với nhu cầu tiêu thụ động thực vật hoang dã lớn của Việt Nam và nạn buôn bán trái phép trên toàn cầu.
Mất sinh cảnh sống và ô nhiễm cũng tác động tới các loài hoang dã của Việt Nam. Để bảo vệ các loài này, điều tối quan trọng cần phải làm đó là thắt chặt thực thi pháp luật, chấm dứt săn bắt trái phép, đóng cửa các thị trường buôn bán trái phép và các trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã quý hiếm như hổ và gấu.
Một trong những hoạt động gần đây được WWF triển khai là ra mắt dự án đầy tham vọng nhằm đóng cửa các chợ buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã trong khu vực. Tại Việt Nam, mới đây, WWF khởi động chiến dịch “Thành phố Huế nói không với thịt thú rừng”.
Thông điệp của chiến dịch rất rõ ràng: “Huế văn minh, Huế gìn giữ thú rừng”. WWF hy vọng, với sự ủng hộ của các đối tác và của chính quyền thành phố, Huế sẽ trở thành thành phố tiên phong trong thay đổi hành vi tiêu thụ các loài động vật hoang dã và bảo vệ các loài đặc hữu, quý hiếm của mình khỏi tuyệt chủng.
Theo Đại Đoàn Kết