Muỗi tự nhiên chỉ ăn hoa, cỏ
Theo thông tin từ một số báo, mấy ngày gần đây, một người dân ở TP Đồng Hới, Quảng Bình vô tình bắt được một con vật giống như con muỗi nhưng to khoảng bằng con chuồn chuồn. Khi người này đang ngồi uống cà phê thì người này nghe tiếng vò vò từ xa, anh này đưa tay đập thì con vật này rơi xuống đất.
Theo quan sát, con vật này có hình thù như một con muỗi được phóng to, màu nâu đen, có đầy đủ vòi hút máu, thân, cánh, đặc biệt sải chân của nó rộng chừng 10cm. Qua kiểm tra sơ bộ tại phòng thí nghiệm địa phương thì có thể khẳng định đây chính là một cá thể muỗi nhưng không biết là muỗi gì.
Chỉ cần nhìn qua bức ảnh, GS Bùi Công Hiển, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, đây chính là loài muỗi rừng có tên khoa học là Tipulidae. Có thể trong quá trình bay đi tìm thức ăn, chúng bị lạc hoặc do bị cuốn theo cơn gió, sự truy bắt của loài nào đó.
Đây là loài muỗi lành tính, sống trong rừng, đặc biệt là ở các khu rừng tự nhiên. Loài này có đặc điểm là chân rất dài, thức ăn của chúng là các loài hoa, cỏ và rễ cỏ trong tự nhiên chứ không phải là loài hút máu. Vì thế, chúng vô hại đối với con người. Ở những khu rừng nhiệt đới có hệ sinh thái phong phú, loài muỗi này có khối lượng lớn hơn nhiều. Vì thế, người dân hoàn toàn yên tâm khi bắt gặp những cá thể muỗi như thế này.
Đối với loài muỗi là ký sinh trùng truyền bệnh thì đa số chúng đều sống trong môi trường có người hoặc động vật để hút máu. Loài muỗi hút máu truyền bệnh có hình dáng lớn nhất cho đến nay được ghi nhận là loài muỗi culexfatiganz. Đây là loài muỗi truyền bệnh giun chỉ, khi bị đốt, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào đường huyết khiến chân người bị đốt to phình lên, người ta gọi là bệnh chân voi. Loài muỗi này không hiếm gặp trong môi trường sống của chúng ta hiện nay.
|
Đây chính là loài muỗi rừng có tên khoa học là Tipulidae. |
Muỗi có khả năng kháng thuốc tốt
Để diệt muỗi, GS Bùi Công Hiển khuyến cáo, tốt nhất là sử dụng các biện pháp tự nhiên chứ không nên lạm dụng các loại thuốc diệt muỗi. Dù có được quảng cáo an toàn đến mức nào thì các loại thuốc diệt muỗi này đều tác động không tốt đến sức khoẻ con người.
"Nhiều gia đình, thậm chí là cả một số đơn vị y tế dự phòng sử dụng một loại thuốc diệt muỗi trong rất nhiều năm, cứ mỗi năm phun vài đợt là sai lầm. Bản thân loài muỗi có khả năng kháng thuốc rất tốt. Chỉ một thời gian ngắn, nếu sử dụng liên tục một loại thuốc, muỗi sẽ có khả năng kháng lại loại thuốc này, chúng vẫn cứ "nhởn nhơ" bay lượn dù đã bị phun thuốc. Thế là vô hình trung, muỗi không chết, người thì rước hại vào mình", GS Bùi Công Hiển chia sẻ.
Theo các chuyên gia, để đuổi muỗi, có thể đặt một số chai dầu gió. Muỗi ngửi thấy sẽ bay đi chỗ khác. Vào những ngày giao mùa, muỗi dễ sinh sôi nảy nở. Nên lợi dụng thời điểm này để xua đuổi muỗi bằng cách đem bồ kết phơi khô, cây hương nhu, cây gỗ thơm, vỏ vưởi, bã mía... đốt tạo khói trong nhà. Lưu ý chỉ đốt với một số lượng vừa phải để tạo khói thoang thoảng và tránh bị ngạt. Có thể đốt vào chiều tối, nhà sẽ có mùi thơm, các loài côn trùng khác sẽ biến mất. Hoặc lấy vỏ vưởi, lá náng hoa trắng, bèo cái, cây ngải hoa vàng hoặc thanh cao phơi khô đốt lấy khói cũng có tác dụng rất tốt.
Thay vì xịt thuốc, đốt hương đuổi muỗi, hãy trồng hoặc đặt những loại cây như cây sả, cây húng thơm, cây hương thảo, cúc vạn thọ... trong nhà thì muỗi sẽ sợ mà tránh xa. Nếu chẳng may bị muỗi đốt, bạn cũng có thể sử dụng ngay một số loại tinh dầu của các loài cây trên để thoa lên trên vết muỗi cắn nhằm thoát khỏi tình trạng bị sưng và ngứa ngáy.
Theo các chuyên gia, để diệt muỗi hiệu quả thì cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, loại bỏ những nơi muỗi có thể trú ngụ. Vệ sinh môi trường sạch có thể diệt muỗi 70%. Nước là môi trường để muỗi đẻ trứng. Các chum, vại để nước nếu không cọ rửa mà chỉ đổ nước không thôi thì trứng vẫn bám vào và khi gặp môi trường nước thì tiếp tục sinh sôi.
Bảo Khánh