Nhiệt độ trong toàn tháng 9 và nửa đầu tháng 10 này đều tăng hơn so với trung bình nhiều năm. Điều này lý giải vì sao đến tận thời điểm này, ở Bắc Bộ vẫn còn khá nóng. Các dự báo xa cũng cho thấy, nhiều khả năng năm nay chúng ta sẽ có một mùa đông ấm áp, nhưng đợt rét đậm, rét hại đầu tiên sẽ lại đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm.
Ít bão, khan mưa và nắng, nóng
Lý giải đến thời điểm này vẫn còn khá nóng, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết: Thông thường tháng 9 có khoảng 1 - 2 đợt gió mùa Đông Bắc. Tuy nhiên, tháng 9 vừa qua không có đợt không khí lạnh nào, thậm chí nền nhiệt độ còn tăng cao hơn so với trung bình nhiều năm 2 - 3 độ C, có những ngày nhiệt độ tăng cao đến trên 35 độ C, điều rất ít thấy ở những mùa thu năm trước.
Nửa đầu tháng 10, nhiệt độ vẫn tăng cao 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm. Dự báo phải đến nửa sau của tháng 10, nắng và nóng mới hạ nhiệt, thời tiết mát mẻ hơn.
Nguyên nhân của việc ấm, nóng hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng 9 và nửa đầu tháng 10 được cho là do ảnh hưởng của El Nino. Ngoài ra, năm nay áp cao cận nhiệt đới lại ở khá xa trên vùng biển Philippines, chứ không phải trên lục địa Nam Trung Hoa như mọi năm. Vì vậy, trên biển Đông, dải hội tụ nhiệt đới hoạt động yếu hoặc không có. Điều này đã gây ra tình trạng ít bão, khan mưa và nắng nóng hơn cho Bắc Bộ và ven biển Trung Bộ trong mùa thu.
Dự kiến, do ảnh hưởng của El Nino và sự thay đổi của một số cơ chế hoàn lưu khác nên năm nay, mùa đông được dự báo sẽ ấm áp hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt là các dự báo lại cho thấy đợt rét đậm, rét hại đầu tiên nhiều khả năng xảy ra vào giữa tháng 12, sớm hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm, rét đậm, rét hại xảy ra vào nửa cuối tháng 12, đúng dịp Noel). Các tỉnh miền Bắc cần chủ động đối phó với rét đậm, rét hại đến sớm.
Cảnh báo sớm hạn nghiêm trọng
Ông Lê Thanh Hải cho biết, một điểm bất thường nữa của thời tiết năm nay là sự thiếu hụt mưa. Từ đầu năm đến nay mới xuất hiện 15 đợt mưa lớn diện rộng, trong đó có 13 đợt xuất hiện từ tháng 5 tới nay; ít hơn trung bình nhiều năm và xấp xỉ cùng thời kỳ năm 2013.
Nhìn chung, cường độ và tổng lượng mưa các đợt không quá lớn và lượng mưa trên phạm vi cả nước từ đầu mùa mưa bão cho tới thời điểm này là hụt so với trung bình nhiều năm, ngoại trừ Lai Châu, Quảng Ninh, tây Nghệ An, và Tây Nguyên.
Không chỉ trong các tháng trước, mà ngay đến thời điểm này, mưa vẫn được dự báo sẽ tiếp tục bị hụt. Cụ thể, mùa mưa ở ven biển miền Trung năm nay đến muộn. Trung bình nhiều năm, mùa mưa ở đây bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 12. Tuy nhiên, năm nay, đầu tháng 10, mùa mưa ở miền Trung mới bắt đầu.
Dự báo tháng 10 và tháng 11, ngay trong chính mùa mưa, lượng mưa sẽ thiếu khoảng 40% - 50% và nhiều khả năng sẽ kết thúc sớm. Tình trạng mưa ít khiến cho lượng nước trong sông ngòi, hồ chứa bị thiếu hụt. Bão cũng ít khiến cho lượng nước bị thiếu hụt nghiêm trọng (bão mang lại 1/3 lượng nước cho miền Trung). Các cảnh báo sớm cho thấy, tình trạng thiếu nước trong năm nay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa khô năm 2015 (mùa khô bắt đầu từ tháng 1 7).
Trong tháng 10, các tỉnh ven biển Trung Bộ cần đề phòng 2 - 3 đợt mưa vừa, mưa to, do vậy chú ý chủ động đề phòng lũ, lũ quét và sạt lở đất.
Từ đầu năm đến nay, mới chỉ có 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, ít hơn so với trung bình nhiều năm và cùng thời kỳ 2013. Trong đó cơn bão số 2 (Rammasun 11 - 19/7) và số 3 (Kalmaegi, 15 - 17/9) ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ. Hai cơn bão này tuy không gây thiệt hại về người trên biển, nhưng mưa lũ sau bão đã làm hơn 50 người chết và bị thương trên đất liền; thiệt hại vật chất lên tới hàng trăm tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến hết mùa mưa bão còn 1 - 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Cần đề phòng bão muộn ảnh hưởng đến Nam Bộ.
Đức Anh