Chim Trích cồ tên tiếng Anh là Purple Swamphen, là loài chim quý hiếm, có màu sắc đẹp, thẩm mỹ, được nhiều người yêu thích. Chim dễ nuôi, dễ sinh sản, khi nuôi quen thì thả lang như gà.
Anh Trần Nhữ Giáp - chủ Vườn chim Việt, nơi đang nhân nuôi khá nhiều giống chim quý hiếm này cho biết: Chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng chim trích cồ được nuôi khá phổ biến ở Việt Nam. Đây là loài chim sinh sản theo mùa, nhưng mùa sinh sản thay đổi theo khu vực địa lí, thường là mùa mưa ở nhiều nơi, hoặc mùa hè tại những vùng có nhiệt độ cao.
|
Cận cảnh một con chim trích cồ quý hiếm. |
“Chim trích cồ trưởng thành có màu xanh dương và xanh lá cây ở phần ức và bụng; chân, mỏ và trên đầu có màu đỏ tươi rất đẹp. Loài chim này có khả năng bảo vệ lãnh thổ rất cao, từ lâu người ta đã nuôi giống chim này để giữ nhà” – anh Giáp tiết lộ.
Anh Giáp cho biết thêm, khi có người lạ đến, chim bay đá và phát tiếng kêu lớn... Đặc biệt chúng rất lỳ, kể cả chụp lại được, đánh chúng nhưng khi thả ra chúng vẫn đá tiếp.
Chim có sức đề kháng cao và thức ăn của chúng rất phong phú (tiện cho quá trình nuôi): cua, cá, tép, rau, cỏ dại, lúa, gạo, thức ăn gà, củ sắn, giá, kể cả cơm...
Anh Phạm Văn Thế, chủ trang trại đang nuôi trên 100 con trích cồ ở Vĩnh Phúc cũng khẳng định, dựa vào đặc tính của loài chim này, chúng hoàn toàn có thể trông, giữ nhà như chó. “Điều chú ý khi nuôi giống chim này là chất lượng con giống. Con giống phải được mua từ việc ấp nhân tạo hay chim mẹ vừa ấp nở tách chim con nuôi ngay (không để chim mẹ dẫn). Như thế chim con mới dạn người và có đặc tính giữ nhà trong môi trường nuôi làm cảnh” – anh Thế chia sẻ thêm.
|
Ốc, cua, cá… là loài mà chim trích cồ rất thích ăn. |
Nuôi trích cồ làm bổi là một nghề đòi hỏi công phu, lòng kiên trì chứ đam mê không chưa đủ. Trước tiên là việc chọn giống, chăm sóc, bắt từng cặp trống mái nuôi chung cho đến ngày đẻ trứng, ấp con. Riêng trích mồi chọn con giống đã khó, huấn luyện nó trở thành con trích mồi hay đem vào rừng đá lại càng khó hơn.
Cũng theo anh Giáp, mùa sinh sản của chúng từ tháng 4 đến tháng 6. Mỗi năm chúng đẻ làm ba đợt. Đợt đầu đẻ thường 5 – 6 trứng, đợt hai 3 – 4 trứng, đợt ba 2 trứng. Khi đẻ ta lót ổ tròn, lớn như ổ gà. Chim trống và mái vừa sống chung vừa đẻ và ấp. Trích con khi mới nở, người nuôi cung cấp chuột bằm nhuyễn để chim mẹ đút cho con, ngoài ra phải kiếm thêm củ năng, giá, bông súng.
Sau từ 10 – 15 ngày, chim con mới mọc lông đều, lúc đó người nuôi mớm mồi cho chúng ăn để quen hơi. Chim non rất thích nước, nở một vài ngày là chúng nhảy vào thau nước ngâm mình. Nuôi 3 – 4 tháng chim mới đổi màu, thời gian này, người nuôi phân biệt được con trống lớn con, nhỏ hơn là mái.
Theo anh Giáp, đặc biệt, trích trống hay mái đều làm được con mồi đem đi đá, thường thì con mồi mái đá hay hơn con trống vì nó kêu liên tục để dụ trích rừng. Tiêu chuẩn để tạo được con mồi hay phải biết xem tướng: đầu nhỏ, dáng chim thon, ngực nở, móng bự, có giọng kêu to, bền, thu hút chim rừng.
Theo Dân Việt