Khám phá quá trình hoàn thiện tiêu bản "cụ rùa" Hồ Gươm

Google News

Tiêu bản rùa Hồ Gươm vừa được hoàn thiện và đang được niêm phong tại Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam. Theo Tiến sĩ Phan Kế Long - Phó Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, “cụ Rùa” có chiều dài 2,08 mét, rộng 1,08 mét, nặng 169kg.

Đây là mẫu vật rùa sống dưới nước lớn nhất thế giới được bảo quản bằng phương pháp nhựa hóa tính đến thời điểm này.
 "Cụ rùa" Hồ Gươm (ảnh: PGS-TS Hà Đình Đức)
Mẫu vật “trăm năm có một”
Đánh giá về tiêu bản rùa Hồ Gươm, Tiến sĩ Phan Kế Long - Phó Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam cho hay, tiêu bản rùa Hồ Gươm là mẫu vật độc đáo xưa nay hiếm, “trăm năm có một”. Do đó, khi tiếp nhận tiêu bản này, bảo tàng đã phải nghiên cứu tất cả các phương thức chế tác để chọn ra phương pháp tối ưu.
Cũng theo lời kể của Tiến sĩ Phan Kế Long, sau khi cân nhắc một số phương án, trong đó có cả phương án nhồi bông bên trong lớp da rùa, thì giải pháp nhựa hóa được chọn nhằm giúp bảo quản nguyên vẹn mẫu vật, từ hình thái, màu sắc, kể cả những phần khó như diềm mai có cấu tạo bằng sụn.
Được biết, việc chế tác tiêu bản rùa Hồ Gươm bắt đầu từ ngày 21/4/2016 do hai chuyên gia đến từ Bảo tàng Berlin (Đức) thực hiện với phương pháp nhựa hóa - phương pháp bảo quản mẫu vật tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay. Theo dự kiến ban đầu, việc chế tác sẽ diễn ra trong khoảng một năm. Tuy nhiên sau đó thời gian kéo dài hơn dự tính, tức là mất khoảng 2 năm. Cụ thể, đến đầu tháng 4-2018 mẫu vật mới hoàn thành.
Lý giải về việc thời gian chế tác “trội” hơn cả một năm so với dự tính, Tiến sĩ Phan Kế Long chia sẻ, thời gian hoàn thiện chậm hơn kế hoạch là do mẫu vật rùa Hồ Gươm quá lớn, đây cũng là lần đầu tiên các chuyên gia có cơ hội được chế tác một tiêu bản lớn như vậy: chiều dài 2,08 mét, rộng 1,08 mét, nặng 169kg. Đồng thời, mẫu vật lại không được bảo quản ở trạng thái tốt nhất, bị phân hủy nghiêm trọng, nên cần nhiều thời gian xử lý và ngấm hóa chất vào các mô tế bào.
Sau khi mẫu vật được ngâm hóa chất, các chuyên gia Đức đã làm việc khoảng 100 ngày. Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam tạo điều kiện mặt bằng, huy động toàn bộ nhân lực hỗ trợ các chuyên gia.
Tiến sĩ Phan Kế Long nhấn mạnh, việc chế tác tiêu bản rùa Hồ Gươm cũng là dịp để bảo tàng được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia nước ngoài, phương pháp nhựa hóa vẫn là phương pháp mới trên thế giới, chỉ phổ biến tại Anh và Đức.
PGS-TS Hà Đình Đức đã cung cấp rất nhiều ảnh "cụ rùa" cho các chuyên gia Đức tham khảo khi chế tác tiêu bản rùa Hồ Gươm (ảnh: PGS-TS Hà Đình Đức) 

 PGS-TS Hà Đình Đức và "cụ rùa"
Chế tác tỉ mỉ, mẫu vật sinh động
Theo dõi sát sao quá trình chế tác, "nhà Rùa học" PGS-TS Hà Đình Đức tiết lộ, ông đã cung cấp rất nhiều bức ảnh ông chụp “cụ rùa” để các chuyên gia tham khảo, nắm được hình thái, các tư thế nằm của “cụ rùa”.
PGS-TS Hà Đình Đức cho biết, các đường mổ trên “cụ rùa” được các chuyên gia Đức thực hiện cẩn thận, vì thế các xương không bị thiếu hụt. Các chuyên gia thực hiện công nghệ nhựa hóa chứ không phải mổ xong nhồi bông nên tránh được tình trạng xương, mai rùa bị gãy phải làm lại. Sau khi tiêu bản rùa được giải phẫu, bỏ hết nội quan bên trong, xương được giữ nguyên, kết hợp với bộ khung thép, tạo nên một tư thế rùa nằm tự nhiên.
Nhận xét về mẫu vật sau khi hoàn thiện, theo ông Hà Đình Đức, mẫu vật đẹp và sinh động, giống nhưng không y hệt ngoại hình “cụ rùa”. Các chuyên gia đã làm việc nghiêm túc, tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ. Bộ phận đầu chiếm nhiều thời gian của các nhà khoa học hơn cả, nhất là đôi mắt vì "đó là linh hồn", từng đốm trắng trên đầu cũng được các chuyên gia chú ý xem xét kỹ. Cùng với đó, da “cụ rùa” sau khi mất đi đã xám xịt, vì thế việc chế tác đòi hỏi phải đúng màu da “cụ rùa” khi còn sống, mướt và tự nhiên như vừa nhô lên từ dưới nước.
Tiến sĩ Phan Kế Long - Phó Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam khẳng định, phương án nhựa hóa khiến mẫu vật khô, bền, màu sắc đẹp hơn theo ý muốn, quan trọng nhất là tránh được những ảnh bị ảnh hưởng thời thời tiết khí hậu Việt Nam, tránh bị hỏng hóc và không phải chỉnh sửa nhiều lần sau khi hoàn thiện.
Hiện mẫu vật đang được bảo quản ở nhiệt độ dưới 25 độ C, độ ẩm 55%, tránh tia UV. Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam dự kiến đặt một chiếc tủ kính chuyên dụng của Đức, tạo điều kiện bảo quản tốt, tránh sửa chữa, giữ nguyên hình ảnh mẫu rùa sống động, lưu truyền cho thế hệ sau.
 Rùa hồ Gươm qua đời vào chiều 19/1/2016, được đưa vào Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam bảo quản trong phòng lạnh ở nhiệt độ - 15 độ C. Nguyên nhân rùa chết được cho là vì già yếu, bởi con rùa sống lâu nhất thế giới 180 năm, trong khi rùa hồ Gươm ước tính 200 tuổi.

Theo ANTĐ