Khám phá công nghệ siêu độc “đào vàng” trong vũ trụ

Google News

(Kiến Thức) – Những công ty có tham vọng khai thác không gian đã lên kế hoạch phát triển công nghệ khai thác từ rất nhiều năm nay.

Tuy cho đến nay chưa có bất kỳ một tiểu hành tinh nào “được tóm”, nhưng các cách tiếp cận hoàn chỉnh khác nhau đang được đưa ra và các giải pháp này đều mang tính khả thi, thực tiễn cao.

Các công nghệ cần thiết để phóng tàu vũ trụ hiện đã có, cùng với đó là sự phát triển nhất định của công nghệ tóm bắt và khai thác các tiểu hành tinh.


Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) từng nghiên cứu phương pháp kéo các tiểu hành tinh xa Trái đất, nơi có môi trường không trọng lực rất lớn, khó kiểm soát về Mặt trăng, quỹ đạo an toàn gần với Trái đất để tạo ra bước đệm dễ dàng cho việc khai thác.

John Lewis, nhà nghiên cứu hành tinh người Mỹ, một trong những nhà tư vấn của Planetary Resources Inc từng chia sẻ phương pháp khai khoáng trong môi trường  không trọng lượng: “Robot có thể bóc tách các tảng đá và đưa chúng vào các nhà máy nghiền trong vũ trụ”.

Ông cũng cho biết, trước mắt có thể khai thác nguyên liệu ở trên bề mặt, rồi các thiết bị thăm dò có thể tiến hành nung nóng hoặc từ hóa những sản phẩm thu được.


Tại các phòng thí nghiệm ở Đại học Arizona, Planetary Resources Inc từng cho tiến hành hàng trăm thí nghiệm nung nóng và từ hóa với nhiều loại nham thạch khác nhau ở bên ngoài Trái đất.

Sau khi khai thác, nguồn tài nguyên không gian được dự kiến đưa về Trái đất bằng tàu vũ trụ.

Ví dụ như tàu vũ trụ Space Shuttles có thể vận chuyển 20 tấn vật tư lên trạm vũ trụ ISS, nhưng thường bay không tải trở về Trái đất. Vì vậy các doanh nghiệp khai khoáng có thể chế biến nguyên liệu lấy được từ các tiểu hành tinh ở gần trạm vũ trụ và đóng thành bao để chuyển về.



Ngoài ra, còn rất nhiều những giải pháp tiếp cận vũ trụ khôn ngoan như phóng bằng điện từ hay tên lửa phóng từ mặt đất nhờ sức đẩy của tia laser.

Các tiểu hành tinh chứa một lượng nước khổng lồ. Ngành du hành vũ trụ không chỉ cần nước để cung cấp cho các nhà du hành vũ trụ mà còn cần có nước để tạo ra nhiên liệu cho tên lửa. Dựa vào lượng nước trong các tiểu hành tinh trong tương lai người ta có thể xây dựng các “cây xăng” trong vũ trụ.


Hơn nữa, chế tác kim loại tại chỗ, thí dụ làm dầm thép, làm bu lông và các giá đỡ phục vụ các nhà máy điện Mặt trời trong vũ trụ cũng rất có khả năng. Các nhà máy này có thể dùng tia vi sóng để phóng năng lượng về Trái đất.

Bằng việc mô phỏng các điều kiện trong vũ trụ, xây dựng các phòng siêu sạch và các khoang chân không, việc khai thác vũ trụ không còn là điều quá viễn tưởng như nhiều người vẫn nghĩ.


David Gump, Giám đốc điều hành của Deep Space Industries cho biết, theo thống kê, có khoảng 1.000 tiểu hành tinh gần với Trái đất được phát hiện mỗi năm.

Hầu hết các tiểu hành tinh đều chứa nước và khí, như khí metan có thể dùng làm nhiên liệu, cùng các kim loại như niken có thể sử dụng để chế tạo linh kiện cho các máy in ba chiều.

Như vậy, nguồn lợi tài nguyên ngoài không gian là vô cùng to lớn, lấy ví dụ như tiểu hành tinh 1986 DA, to chừng 2,3 km, có khối lượng khoảng 40 tỷ tấn. Tiểu hành tinh này có nhiều loại kim loại khác nhau như sắt, đồng, nhôm, platin và vàng.

Tất cả các kim loại đều có số lượng lớn hơn con số mà nhân loại từng khai thác cho đến nay. Ai muốn mua 1986 DA thì riêng số kim loại platin mà tiểu hành tinh này chứa trị giá trên 60.000 tỷ USD.

Riêng những tiểu hành tinh gần Trái đất có trị giá khoảng 40.000 tỷ USD. Khối lượng trong vành đai của các tiểu hành tinh có thể còn lớn hơn gấp hàng trăm lần.

Nguồn tài nguyên trong vũ trụ được cho là nhiều gấp bội khả năng tiêu thụ của nhân loại.

TIN LIÊN QUAN:
BÀI ĐỌC NHIỀU:

Lưu Thoa (tổng hợp)