Liên tục hai tuần qua, người dân lẫn du khách bàn tán xôn xao trước sự xuất hiện của loài hải cẩu quý hiếm xứ lạnh ở vùng biển xã Chí Công, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).
Bà Trần Thị Hà (ngụ huyện Tuy Phong) cho hay, có 2 đến 3 con hải cẩu màu xám thường bơi trên mặt biển, sau đó trườn lên bờ đá kiếm ăn ở khu vực thôn Hà Thủy, xã Chí Công.
"Việc xuất hiện loài hải cẩu xứ lạnh liên tục xuất hiện ở vùng biển Bình Thuận khiến nhiều người dân địa phương cùng du khách hiếu kỳ cho đây là điều kỳ lạ chưa từng thấy bao giờ", bà Hà nói.
Hiện chính quyền huyện Tuy Phong đang vận động người dân và du khách chung tay bảo vệ, tránh gây tổn hại đến loài hải cẩu này.
|
Hải cẩu xuất hiện ở vùng biển xã Chí Công, huyện Tuy Phong(Bình Thuận). Ảnh Facebook Hoài Phương Dương. |
Trước hiện tượng này, các chuyên gia Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa) khẳng định, đây không phải là lần đầu tiên hải cẩu xuất hiện ở vùng biển Việt Nam. Trước đó, loài hải cẩu cũng từng mắc lưới của ngư dân các tỉnh Đà Nẵng, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi khi đánh bắt thủy sản vùng biển ven bờ.
Theo các chuyên gia, hầu hết những con hải cẩu này đều còn nhỏ thuộc loại hải cẩu đốm (tên khoa học là Phoca largha) sống ở vùng biển xứ lạnh nhiều khả năng bị lạc đàn, rồi trôi dạt xuống vùng biển nhiệt đới ở miền Trung Việt Nam.
Hải cẩu đốm sinh sống ở tảng đá băng và vùng biển bắc Thái Bình Dương và vùng biển lân cận. Chúng chủ yếu được tìm thấy dọc theo thềm lục địa của các biển Beaufort, Chukchi, Bering và Okhotsk và về phía nam tới phía bắc Hoàng Hải. Chúng di cư về phía nam xa như bắc Hoàng Hải và tây biển Nhật Bản và thậm chí là tới tận Việt Nam theo dòng hải lưu.
Hiện Viện Hải dương học Nha Trang đang nuôi dưỡng hai con hải cẩu do ngư dân ở Thừa Thiên Huế và Ninh Thuận bắt được nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và tham quan.
Theo Zing News