Trước đó, các nhà khoa học Đức ghi nhận thuốc trừ sâu làm giảm 75% số lượng côn trùng trong khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia của nước này. Chuỗi thức ăn vì vậy bị ảnh hưởng, dẫn đến sự biến mất của nhiều loài chim ở vùng nông thôn châu Âu.
|
Khả năng sinh sản của ếch bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan - (Ảnh: Getty Images). |
Để kiểm chứng trên động vật lưỡng cư, TS Cecilia Berg chuyên ngành độc học và sinh vật tại ĐH Uppsala, Thụy Điển cùng nhóm nghiên cứu trong nước và Anh quốc tiến hành khảo sát tác động của chất Linuron (thuốc diệt cỏ khi trồng khoai tây) trên ếch móng vuốt Tây Phi.
Nòng nọc loài ếch móng vuốt Nam Phi được thả vào phòng thí nghiệm có nồng độ thuốc trừ sâu tương đương trong môi trường tự nhiên và được theo dõi suốt vòng đời. Các nhà khoa học phát hiện nòng nọc chủ yếu phát triển buồng trứng hơn là hình thành tinh hoàn.
Nhóm cho rằng đó là do Linuron gây gián đoạn nội tiết hoặc bẻ gãy hormone, cản trở sản xuất testosterone.
Chất này không chỉ làm giảm khả năng sinh sản của ếch đực mà còn thay đổi đáng kể tỉ lệ giới tính của nòng nọc. Điều này khiến các nhà khoa học lo ngại loài vật này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
"Kết quả cho thấy thuốc trừ sâu có cơ chế tổn thương vĩnh viễn như làm giảm khả năng sinh sản ở ếch", TS. Berg cho biết, tờ Independent trích dẫn. "Điều này củng cố nghiên cứu trước đó cho thấy các hợp chất phá hoại nội tiết tố được thải vào môi trường có thể gây tác động xấu đến động vật lưỡng cư".
Trong khi Linuron không được phép sử dụng tại Anh và Thụy Điển, thuốc trừ sâu này lại được sử dụng phổ biến ở Bắc Mỹ và nhiều nước ở châu Âu.
"Ủy ban châu Âu hiện đang thực hiện một số thước đo để nâng cao khả năng đánh giá nguy hại từ thuốc trừ sâu", TS Berg cho biết.
Tháng 4 vừa qua, Liên minh châu Âu đã thông qua lệnh cấm trên 3 loại thuốc trừ sâu sau khi Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (Efsa) khẳng định các loại thuốc trừ sâu trên đe dọa nghiêm trọng đến ong rừng và ong mật.
Các nhà khoa học cho rằng khoảng 40% các loài động vật lưỡng cư đang bị đe dọa, trở thành loài dễ tổn thương do mất môi trường sống, biến đổi khí hậu và ô nhiễm.
Theo Tuổi Trẻ