Độc đáo "gia tài" cá hồi mẹ để lại cho đàn con

Google News

Cá hồi con thừa hưởng từ cá mẹ các gien liên quan đến khả năng định hướng.

Theo tạp chí Naturen, thí nghiệm của các nhà khoa học Na Uy đã cho thấy rằng cá hồi con thừa hưởng từ cá mẹ khả năng tìm đường trong quá trình di cư.
Cách đây vài năm, các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu thiên nhiên Na Uy (NINA) đã thả 7.000 con cá hồi nhỏ ở cửa sông Eames thuộc hạt Rogaland của Na Uy. Hầu hết số cá con đó đều nở từ trứng tại trạm nghiên cứu của NINA ở gần đó.
 Các nhà khoa học Na Uy đề xuất triệt sản cá hồi nuôi trong các trang trại để tránh tình trạng lai chéo với cá hồi hoang dã - Ảnh: Pixabay
Một phần cá bột đến từ các trang trại cá, một phần được lấy từ một quần thể cá hoang dã ở sông Eames. Trong số cá đó cũng có những con là hậu duệ của “ những cuộc hôn nhân hỗn hợp”, tức là chỉ cá đực hoặc cá mẹ được sinh ra ở trang trại cá, còn con khác đến từ cá hoang dã ở dòng sông. Tất cả các con cá được gắn thẻ đánh dấu để xác định xem con nào trong số chúng sẽ tìm đường về nhà khi đạt đến tuổi trưởng thành và đi đến đẻ trứng ở sông Eames.
Các nhà nghiên cứu Nina Jonsson và Bror Jonsson thông báo rằng hậu duệ của 2 giống cá bố mẹ hoang dã, cũng như con của những cá mẹ hoang dã, thành công gấp 2 lần các con cá khác trong việc tìm về vịnh (quê nhà của chúng) và trở lại sông Eames. Các nhà khoa học cho rằng cá hồi thừa hưởng từ cá mẹ các gien liên quan đến khả năng định hướng.
Nhân đây, các nhà khoa học cũng bày tỏ lo ngại về những tác động có hại đối với quần thể cá hồi tự nhiên bởi những con cá hồi đã thoát ra khỏi khu vực có rào chắn của các trang trại nuôi cá.
Khi lai giống với cá hồi hoang dã, chúng sẽ đưa gien của chúng vào trong quần thể cá hồi hoang dã. Nina và Bror Jonsson tin rằng vấn đề có thể được giải quyết bằng cách triệt sản cá hồi được nuôi trong các trang trại.
Theo Một thế giới