Độc tố từ vỏ cây sui rừng
Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Hùng (Thanh Xuân, Hà Nội), anh Lê Văn Kim, ở thôn Bình Minh (Ngọc Vừng, Vân Đồn, Quảng Ninh) có sáng kiến diệt ốc bươu vàng từ vỏ cây sui (có người còn gọi là cây vối thuốc). Đây là loài cây mọc tự nhiên trong các khu rừng nguyên sinh ở Ngọc Vừng. Nhiều người dân đi bóc vỏ cây sui về giã nhỏ hoà với nước đổ xuống các cánh đồng làm chết ốc bươu vàng, vì nhựa cây sui diệt được ốc nhưng lại không gây hại với người. Những người không có điều kiện lên rừng lấy vỏ sui thì phải mua lại của những người khác. Diệt ốc bươu vàng từ cây sui đang là phong trào của người dân vùng này.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong vỏ cây sui rừng có chất độc khiến ốc ăn vào thì bị chết. Thực ra, có nhiều loại cây, lá có độc tố có thể tiêu diệt các loại sâu bọ, vi sinh vật gây hại. Người ta ngâm thuốc lá hay thuốc lào vào nước, lấy nước đó đổ ra đồng ruộng cũng khiến sâu bọ, ốc bươu vàng bị chết.
Thực tế là ốc bươu vàng không chỉ sống ở đồng ruộng mà còn gặp tại những hồ ao kênh rạch và nhiều nơi khác, việc sử dụng chế phẩm để diệt hết chúng là rất khó. Chế phẩm đó phải đảm bảo an toàn cho các loài khác, an toàn với môi trường. Vỏ cây sui có thể có chất độc, nhưng nó ảnh hưởng đến môi trường thế nào thì phải tính toán. Thảo mộc là an toàn, nhưng có những loài thảo mộc nguy hiểm đến cả tính mạng con người.
PGS.TS Nguyễn Quang Thạch, trường Đại học Nông nghiệp thì cho rằng, chất độc nào cũng diệt được sinh vật, ốc ăn phải chất độc bị chết là dễ hiểu. Nhưng liệu có áp dụng đại trà được hay không thì phải có những kiểm nghiệm an toàn, xem trong thành phần vỏ cây là chất gì mới, nó tác động đến môi trường và con người như thế nào thì mới khẳng định là có áp dụng rộng được hay không.
|
Ốc bươu vàng gây hại rất nhiều cho người dân. |
Tận dụng chất độc ở hạt chè, hạt cây sở
TS Nguyễn Trường Thành, nguyên cán bộ Viện Bảo vệ thực vật, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chế phẩm phòng trừ ốc bươu vàng bằng thảo mộc cho biết, trước đây ông và nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công chế phẩm này, hiện đang ứng dụng ở nhiều địa phương. Chế phẩm này đã được kiểm nghiệm là an toàn cho môi trường và sức khoẻ con người.
Quá trình nghiên cứu cho thấy, bằng phương pháp dân gian thì có rất nhiều loài thảo mộc có thể diệt ốc bươu vàng. Đặc tính chung của các chế phẩm này là có thành phần saponi. Đây là hoạt chất độc tố khiến nhiều loài sâu bọ và vi sinh vật bị chết, trong đó ốc bươu vàng là loại bị diệt hữu hiệu nhất, ốc sên và các loại sâu cũng không chịu nổi hoạt chất này.
Cũng theo TS Nguyễn Trường Thành, vỏ cây sui rừng có thể cũng có hoạt chất này nên ốc bươu vàng bị chết, tuy nhiên ở góc độ khoa học thì đến nay chưa có nghiên cứu nào về loài này nên chưa thể nói nó có an toàn hay không. Ở những vùng như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, người dân thường đem bã cây sở để bón ruộng, vừa có chất dinh dưỡng, vừa diệt ốc bươu vàng. Bã cây sở là chất thải của các nhà máy sản xuất dầu sở.
Theo các chuyên gia, diệt ốc bươu vàng cần sự vào cuộc của cả địa phương, vì sức sống của loài sinh vật này rất mãnh liệt. Nếu chỉ diệt một thửa ruộng thì chúng lại trở lại tiếp tục phát triển, thậm chí còn nhiều hơn trước.
"Để diệt ốc bươu vàng an toàn, hiệu quả, có thể tìm mua các loại chế phẩm thảo mộc hiện nay có bán nhiều trên thị trường để đảm bảo an toàn. Hầu hết các chế phẩm này đã được kiểm nghiệm rất kỹ trước khi đưa vào ứng dụng nên không gây tác hại đến các loài sinh vật khác. Nếu không có điều kiện để mua chế phẩm thì có thể sử dụng các cách trên để đảm bảo an toàn, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu".
TS Nguyễn Trường Thành
Bảo Khánh