Lưu Đại Đàm sinh ra ở Nam Đầu, Đài Loan, khi sinh ra, cậu bé Đại Đàm khỏe mạnh, lanh lợi như bao đứa trẻ khác. Bi kịch ập đến khi Đại Đàm bị tiêm phải vắc-xin hết hạn sử dụng, dẫn đến liệt nửa người.
Đáng thương hơn, khi đó gia đình "vua phát minh" Lưu Đại Đàm rất nghèo, không có tiền để mua xe lăn, xe đẩy cho con, cậu bé Đại Đàm chỉ có thể quỳ rạp trên mặt đất, lết người đi như cá sấu.
Những người xung quanh không những không thương cảm, giúp đỡ Đại Đàm mà còn tỏ vẻ coi thường ra mặt. Thậm chí, họ chế giễu Đại Đàm là phế nhân, lớn lên chỉ có thể làm ăn xin kiếm sống qua ngày, có người nhạo báng Đại Đàm, nói thẳng trước mặt cậu bé đáng thương rằng "Chẳng khác gì chó con".
Thế nhưng, Đại Đàm không hề nổi giận, ngày qua ngày, cậu bé biến những lời cười nhạo thành động lực để tiến tới. Từ tiểu học, trung học đến trường dạy nghề, Đại Đàm đều là một trong những học sinh xuất sắc nhất của trường. Thời học trung học phổ thông, cậu thiếu niên Lưu Đại Đàm còn hoàn thành một bản vẽ cơ khí rất phức tạp, giành được huy chương vàng trong cuộc thi.
Sau khi tốt nghiệp trường nghề, Đại Đàm nghĩ rằng với khả năng và kỹ năng của mình, có lẽ tìm việc làm sẽ không quá khó khăn. Đáng tiếc, Đại Đàm tới 200 công ty để phỏng vấn thì gần như tất cả đều chỉ nhìn vẻ bề ngoài mà từ chối ngay lập tức.
Rất may, vẫn còn một công ty tiếp nhận cậu thanh niên tàn tật nhưng vô cùng thông minh, tài giỏi và nhiệt huyết này. Khi nhận được công việc, Đại Đàm vô cùng quý trọng cơ hội, làm việc vô cùng nỗ lực. Ông phấn đấu không ngừng, từ trưởng nhóm đến trưởng phòng thiết kế, rồi tiếp tục lên các chức vụ thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, cuối cùng là quản lý cấp cao.
Vào khoảng 30 năm trước, để giải quyết vấn đề di chuyển của mình, Lưu Đại Đàm quyết định sử dụng nguyên liệu tái chế. Ông bỏ ra 200 tệ (khoảng 700 nghìn đồng) để mua một số bộ phận, sau đó ông dành ra một ngày để lắp ráp ra chiếc xe lăn bốn bánh. Chiếc máy chạy rất ổn định, có 63 loại tốc độ khác nhau. Đến nay, chiếc xe lăn đã làm bạn với Lưu Đại Đàm đi qua hơn 30 quốc gia khác nhau.
Giải quyết vấn đề của mình xong, Lưu Đại Đàm tiếp tục quan tâm đến vấn đề của người khác. Bình thường, Đại Đàm hay xem tin tức, ngày đó, ông xem thời sự thấy có tin 8 sinh viên đại học tài giỏi không may gặp hỏa hoạn chết cháy. Cảm thấy đau đớn trong tâm vì thương tiếc những người tài hoa bạc mệnh, Lưu Đại Đàm rất muốn phát minh ra một công cụ thoát hiểm cao cấp, giúp mọi người có thể thoát khỏi những đám cháy một cách nhanh nhất có thể. Nung nấu ý định, cuối cùng, nhà phát minh Lưu Đại Đàm cho ra đời phát minh đầu tiên và cũng là phát minh nổi tiếng nhất của ông, thang dây thoát hiểm nhà cao tầng.
Theo chia sẻ, lấy ý tưởng từ màn đu dây tơ của những con nhện, Lưu Đại Đàm đã phát minh ra bộ thang dây thoát hiểm. Lợi dụng lực ly tâm, sự tăng tốc trọng lực và nguyên lý ma sát, dù là trẻ em hay người lớn đều có thể sử dụng thang dây để thoát hiểm. Đặc biệt, vì toàn bộ bộ dụng cụ không cần điện để hoạt động, thế nên nó rất hữu dụng và thuận tiện.
Ngay sau khi công bố, phát minh của Lưu Đại Đàm đã giành được giải nhất tại Triển lãm phát minh quốc gia. Tiếp đó, lại gặt hái huy chương vàng dành giải sáng chế quốc tế được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ.
MỜI QUÝ ĐỘC GIẢ XEM VIDEO: Bé gái múa ba lê bằng một chân khiến triệu người rơi lệ
Tính tới hiện tại, Lưu Đại Đàm đã có hơn 200 phát minh ở mọi lĩnh vực. Thế nhưng Đại Đàm chỉ nộp đơn xin bằng sáng chế cho 20 phát minh độc quyền của mình. Theo chia sẻ, những phát minh giúp bạn bè, ông đều không xin bằng sáng chế. Lưu Đại Đàm từ bỏ sự giàu có, bởi ông chỉ một lòng muốn giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề.
Khi đã thành danh, Đại Đàm cho biết, bản thân ông sâu sắc hiểu được rằng người tàn tật muốn tồn tại trong xã hội hiện đại thực sự vô cùng khó khăn. Vì vậy, Đại Đàm quyết định thành lập một ngôi trường kết hợp mô hình nhà xưởng để cung cấp chỗ học tập, làm việc cho những người khó khăn, thiệt thòi. Đại Đàm muốn mang 40 năm kinh nghiệm, thành quả trong việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tiêu thụ dạy cho những người tàn tật như ông.
"Tôi sẽ đào tạo họ, cho họ công việc ổn định, mức lương xứng đáng, để họ có chỗ đứng của mình, để họ có thể sống một cuộc sống đúng nghĩa, không bị người khác coi thường", Lưu Đại Đàm nói.
Được biết, ngôi trường dạy nghề của nhà phát minh nghị lực Đại Đàm đã triển khai từ 2014, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành và tuyển sinh.
Bên cạnh việc xây dựng trường nghề cho người khuyết tật, ông Đại Đàm còn khuyến khích mọi người đọc sách, trau dồi tri thức, mở mang đầu óc. Như vậy mới có thể tự tin hơn.
Theo thông tin đăng tải, ông Lưu Đại Đàm năm nay hơn 60 tuổi tuy nhiên ông không hề có ý nghĩ nghỉ ngơi. Ông cho biết mình sẽ tiếp tục lao động, tiếp tục phát minh đến tận hơi thở cuối cùng.
Không có cơ thể khỏe mạnh thế nhưng so với rất nhiều người khỏe mạnh ông Đại Đàm sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều. Nhân tài như ông thực sự rất đáng để tôn kính và học tập.
Kiều Dụ (Theo Sohu)