Chó muốn nói gì khi vẫy đuôi?

Google News

Mọi người  thường cho rằng những chú chó vẫy đuôi để thể hiện sự hài lòng và thân thiện, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.

Chó cũng có cách biểu đạt ngôn ngữ riêng của chúng. Chúng dùng đuôi để giao tiếp. Dựa vào vị trí và chuyển động của đuôi chúng ta biết được trạng thái cảm xúc.
 

Theo kết quả nghiên cứu của Hiệp hội chống ngược đãi động vật ở Mỹ, khi một con chó trong tâm trạng thoải mái, cái đuôi của nó sẽ được ở vị trí “tự nhiên”.
Giống chó khác nhau có vị trí tự nhiên khác nhau. Hầu hết, vị trí tự nhiên nhất của chó là rủ xuống gần cổ chân hoặc gần gót. Nhưng đối với giống chó Pug có nguồn gốc từ Trung Quốc, đuôi chúng lúc nào cũng cong lên phía lưng. Với giống chó săn Greyhound, tự nhiên và thoải mái nhất là khi đuôi chúng thả lỏng giữa hai chân.
Khi lo lắng, chó sẽ giữ đuôi thấp hơn vị trí tự nhiên của nó và sẽ giấu đuôi bên dưới cơ thể khi chúng cảm thấy sợ hãi.
Cái đuôi giữ ở vị trí cao hơn so với bình thường chứng tỏ đang có một thứ gì đó hấp dẫn chú. Còn nếu như một khi đuôi dựng đứng chứng tỏ chú chó ấy trong trạng thái sẵn sàng đi gây hấn.
Hành động vẫy đuôi phản ánh sự phấn khích của một con chó, vẫy càng mạnh chứng tỏ càng phấn khích.
Từ năm 2007, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng cách chó vẫy đuôi cung cấp thông tin về những gì bản thân nó đang cảm thấy. Cụ thể, vẫy đuôi sang bên phải biểu thị cho cảm xúc tích cực, vẫy đuôi sang trái cho thấy những cảm xúc tiêu cực.
Hiện tượng này cũng dễ hiểu vì bán cầu não trái điều khiển phía bên phải của cơ thể, và ngược lại. Nghiên cứu hành vi nhiều loài động vật khác nhau đã chỉ ra rằng bán cầu não trái có liên quan đến cảm xúc tích cực và bán cầu não phải gắn liền với những cảm xúc tiêu cực.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ Live Science, một tờ tin tức khoa học trực tuyến ra đời năm 2004. Live Science chuyên tin tức về đột phá khoa học, các dự án nghiên cứu và sự kiện kỳ lạ từ khắp nơi trên thế giới.
Theo Infonet