Theo các nhà khoa học, khi biến đổi khí hậu làm biến mất nhiều loài cá và mực, vốn là thức ăn cho các loài không bay được, nên chim cánh cụt phải bơi đi xa hơn để tìm kiếm thức ăn.
Chuyên gia Celine Le Bohec tại Đại học Strasbourg và trung tâm nghiên cứu CNRS ở Pháp cho biết: "Với hầu hết các đàn, khoảng cách chuyến đi kiếm ăn vào mùa Hè của các con bố mẹ sẽ trở nên quá dài khiến các con chim con chết đói do phải chờ đợi". Theo bà Le Bohec, "nếu biến đổi khí hậu tiếp tục với tốc độ hiện nay, loài sinh vật này có thể biến mất".
|
Chim cánh cụt tại Le Croisic, miền tây Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Bà Bohec và các cộng sự tính toán rằng chỉ trong vài thập kỷ tới, khoảng 1,1 triệu cặp
chim cánh cụt chúa sẽ buộc phải rời bỏ nơi sinh nở hiện nay, chủ yếu trên các đảo Crozet, Prince Edward và đảo Kerguelen.
Với đà này, vào năm 2100, hành tinh Xanh sẽ nóng thêm 3-4 độ C so với mức nhiệt từ giữa thế kỷ 19. Ngay cả khi con người có thể giữ mức tăng nhiệt bề mặt Trái Đất giới hạn ở 2 độ C, mục tiêu mà 197 quốc gia đặt ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, thì một nửa loài chim có thể buộc phải di cư tới một nơi chưa thể xác định. Vấn đề là có ít điểm đến thay thế, gây ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc tìm kiếm thức ăn và duy trì nòi giống.
Theo chuyên gia Robin Cristofari, thuộc Trung tâm Khoa học Monaco, "chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay những hòn đảo ở Nam Đại Dương, và không phải tất cả đều phù hợp để có thể duy trì được các ổ sinh nở lớn cho loài chim này".
Theo TTXVN/Báo Tin tức