Chảy từ bắc sang nam tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) là con sông Gan. Đây là con sông lớn nhất ở Giang Tây và chính nó đã đem nước tới cho Hồ Bà Dương (hay Phiền Dương, Phồn Dương) tạo thành một hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất ở quốc gia này. Hồ Bà Dương có chiều dài 173km, chiều rộng tối đa 74km và chu vi bờ lên tới 1.200km. Vào mùa mưa, diện tích mặt hồ lớn gấp ba lần diện tích thủ đô London, Vương quốc Anh.
Lật thuyền dù không sóng không gió
Ngày 20/10/2010, một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin cảnh báo về sự nguy hiểm của Hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, được mệnh danh là “Tam giác quỷ Bermuda” của phương Đông.
Trong suốt 30 năm, kể từ đầu những năm 1960 cho tới cuối những năm 1980, hơn 200 thuyền bè qua lại khu vực này đều bị đắm một cách bí ẩn, khiến 1.600 người mất tích, 30 người may mắn sống sót đều bị tâm thần, còn những chiếc xác tàu chưa bao giờ được tìm thấy.
Khu vực “Tam giác quỷ Bermuda” nằm ở phía Bắc Hồ Bà Dương. Tọa lạc tại đây là ngôi đền Laoye (Lão Gia), vì vậy người dân địa phương lấy tên đền để gọi tên vùng nước “thần” đó. Điều bí ẩn nằm ở chỗ những con thuyền dù có cố gắng tới đâu cũng không thể trốn thoát khỏi bàn tay tử thần.
|
Một góc Hồ Bà Dương
|
Theo tài liệu ghi chép, chỉ riêng trong ngày 3/8/1985, cùng lúc 13 chiếc thuyền gặp nạn ở khu vực Đền Lão Gia. Một điều bí ẩn, bất kể bỏ ra bao nhiêu công sức, cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra tung tích những con thuyền này. Thậm chí, trong số đó có một chiếc nặng tới 2.000 tấn.
Khi không thể giải thích hàng loạt những bí ẩn này, người dân sống xung quanh Hồ Bà Dương tin vào một truyền thuyết huyền bí. Theo đó, vị hoàng đế có công sáng lập ra triều đại nhà Minh là Chu Nguyên Chương đã từng tham gia một trận chiến ở gần Hồ Bà Dương.
Đội quân của ông bị thất thế trước sức mạnh của đối thủ, lối duy nhất ra khỏi Hồ Bà Dương cũng đã bị kẻ địch bao vây. Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, đột nhiên một con rùa khổng lồ xuất hiện giải cứu hoàng đế và đưa ông thoát khỏi thế gọng kìm an toàn.
Sau này khi giành được ngôi vương, nhớ ơn cứu mạng của rùa thiêng năm xưa, Chu Nguyên Chương đã cho xây một ngôi đền để tưởng nhớ công ơn của rùa thần và đó chính là Đền Lão Gia vẫn nằm ở góc phía bắc của Hồ Bà Dương.
Người dân sinh sống nhiều đời xung quanh hồ tin rằng “chính rùa thiêng năm xưa đã đánh chìm những tàu thuyền xâm phạm khu vực linh thiêng của ngôi đền”. Những người mê tín tin vào câu chuyện này, mỗi lần đi thuyền qua lại phía bắc của Hồ Bà Dương đều rải tiền giấy, thắp nhang cúng thần rùa mong thần ban cho họ bình an.
Người nhang khói của Đền Lão Gia đưa ra một ví dụ, vào ngày 5/3/2010, một ngày nắng lặng gió, một con thuyền có tải trọng lên đến 1.000 tấn đã bị lật úp trong vùng nước này. Nhưng không ai biết nguyên nhân tại sao.
Trong mắt của những cư dân địa phương, những sự kiện kỳ lạ này có thể được giải thích dựa trên truyền thuyết bao đời qua. Tuy nhiên, truyền thuyết thường không thuyết phục được giới khoa học. Rất nhiều năm, các nhà khoa học Trung Quốc bỏ thời gian và công sức đi tìm câu trả lời thỏa đáng nhất về những bí ẩn ở khu vực “Tam giác quỷ” của hồ.
|
Ngư dân đánh bắt cá trên Hồ Bà Dương
|
Theo đó, họ phát hiện ra dưới lòng hồ thuộc khu vực “Tam giác quỷ” dễ đắm tàu có một bãi cát lớn trải dài khoảng 2km dọc theo hướng Đông–Tây. Họ nghi ngờ rằng chính thứ cát này đã chặn đứng dòng nước tạo ra những xoáy nước chết người, cuốn những tàu bè không may di chuyển tới vùng nước xoáy và chôn vùi vĩnh viễn dưới lớp cát. Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn không thể lý giải được tại sao người ta không thể tìm thấy xác các con tàu đắm tại đây?
Những cơn bão “thoắt ẩn thoắt hiện”
Ngư dân xung quanh trước khi đi qua khu vực nguy hiểm gần Đền Lão Gia thường phải cầu nguyện hoặc cúng bái. Ông Zhang Xiaojin, 50 tuổi làm nghề đánh bắt cá ở Hồ Bà Dương suốt 20 năm qua, cho biết: “Bão có thể tấn công khu vực hồ bất kể ngày hay đêm. Chính vì vậy trước khi đi đánh bắt cá dù gần hay xa, tôi và những ngư dân khác đều quan sát cẩn thận trước bất kỳ sự thay đổi nhỏ nào xuất hiện trên mặt hồ, sau đó cúng bái thần linh”.
Hay theo lời kể ông Wang Fangren, một ngư dân với kinh nghiệm đi biển trong 55 năm: “Tôi nhớ vào một ngày mùa đông năm 2001 khi đi đánh cá trên hồ, ban đầu mọi thứ vẫn ổn, nhưng thời tiết đột ngột thay đổi, trời nổi gió. Những con sóng mạnh ập đến dữ dội khiến tàu thuyền phải nhanh chóng tiến vào bờ nếu không muốn gặp nạn. Sau đó, đột nhiên đầu con thuyền chúi xuống, kéo cả con thuyền đắm theo”.
Theo ông Wang Fangren, thông thường trước mỗi cơn bão sẽ có những dấu hiệu nhận biết. Nhưng riêng ở Hồ Bà Dương những cơn bão ập đến trong nháy mắt, bất kể thời gian và không có hiện tượng nào cảnh báo. “Cơn bão kéo dài chưa đầy 20 phút và mọi thứ lại trở lại bình thường yên bình như chưa có chuyện gì xảy ra”, ông Wang Fangren nói.
|
Đền Lão Gia trên Hồ Bà Dương
|
Vào ngày 16/4/1945, một chiếc thuyền của người Nhật Bản với khoảng 20 người đã mất tích bí ẩn ở khu vực “Tam giác quỷ” gần Đền Lão Gia. Chính phủ Nhật Bản đã cử một đội quân cứu hộ đền Hồ Bà Dương tìm kiếm cứu nạn.
Cuối cùng, chỉ duy nhất một người may mắn sống sót, còn lại dù đã sử dụng nhiều biện pháp, ngày đêm tìm kiếm, nhưng không tìm thấy bất kỳ tung tích nào của những người còn lại. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau, người duy nhất sống sót cũng bị mắc chứng mất trí nhớ. Thời gian sau, một nhóm thợ lặn Mỹ tới vùng Đền Lão Gia để tìm kiếm thuyền Nhật Bản, song họ chẳng thấy gì và nhiều người trong số họ mất tích.
Một câu chuyện bí hiểm khác được ông Han Lixian, một người dân thuộc huyện Đô Xương, kể rằng người dân trong huyện xây ba đập trên bờ của Hồ Bà Dương vào năm 1977. Một trong ba đập có chiều dài 600m, chiều rộng 5m, phần nhô lên mặt nước của đập cao khoảng 0,5m, được xây dựng gần vùng nước Đền Lão Gia. Một đêm nọ, toàn bộ con đập đột nhiên chìm nghỉm , nhưng không một ai biết vì không có bất cứ tiếng động nào phát ra.
Nhiều năm trở về trước, một phóng viên của Nhật báo Giang Tây, cùng với một số nhà khoa học, tới thám hiểm vùng Hồ Bà Dương và khu vực ngôi Đền Lão Gia đã phát hiện thấy một hiện tượng lạ lùng.
Cụ thể, khi đứng trên Đền Lão Gia, anh cảm nhận được luồng gió thổi từ hướng Nam sang hướng Bắc. Nhưng khi nhìn xuống mặt nước, các gợn sóng nước lại cho thấy có gió thổi từ hướng Bắc về hướng Nam.
Hơn nữa, khi có gió thổi, các gợn sóng trên mặt nước không di chuyển theo đường thẳng mà theo hình chữ V lộn ngược. Chính những cơn gió và những gợn sóng trên mặt nước đã khiến cho ngư dân khó khăn trong việc xác định phương hướng.
Sau này, khám phá của phóng viên tờ Nhật báo Giang Tây cũng đã được nhiều học giả tỏ ý quan tâm. Có thể sự khác thường của sóng và gió ở vùng hồ Bà Dương đã tạo thành một cái bẫy bí hiểm nuốt chửng nhiều tàu thuyền một cách bí ẩn.
Theo Thương Mến/ Báo Pháp luật