Tàu vũ trụ của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện sự thay đổi của một dòng ánh sáng kỳ lạ gần trung tâm một lỗ đen siêu lớn. Khám phá này được cho là có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về hoạt động bên trong của lỗ đen bí ẩn.
Dòng hào quang tiến gần hơn đến siêu hố đen, tất cả quá trình lọt vào tầm ngắm của ống
kính thiên văn Nuclear Spectroscopic Telescope Array (NuSTAR) của NASA. Lực hấp dẫn khổng lồ của lỗ đen kéo mạnh hơn khi vầng hào quang tiến đến gần, kéo dài và làm mờ ánh sáng trong quá trình này, các nhà nghiên cứu vũ trụ cho biết.
|
Lỗ đen có sức mạnh "nuốt chửng" ánh sáng. |
Nhà nghiên cứu Michael Parker, thuộc Viện Thiên văn học ở Cambridge, Anh, cho biết: “Vầng hào quang bị sụp đổ khi đi về phía hố đen, lực hấp dẫn mạnh của lỗ đen kéo tất cả ánh sáng xuống vòng xoắn ốc”. Quan sát của NuSTAR cung cấp cái nhìn chi tiết nhất từ trước tới nay về sức mạnh của lỗ đen. Hầu như ánh sáng không thể thoát khỏi sức mạnh của lỗ đen một khi nó vượt qua chân trời sự kiện.
Các nhà thiên văn cho rằng lỗ đen siêu lớn có thể chứa hàng triệu hoặc hàng tỷ lần khối lượng của
mặt trời. Lỗ đen được quan sát bởi NuSTAR có tên gọi là Markarian 335 (Mrk 335), có khối lượng lớn hơn mặt trời 10 triệu lần và nằm cách đó 324 triệu năm ánh sáng.
Vệ tinh Swift của NASA gần đây quan sát thấy sự thay đổi trong độ sáng lỗ đen Mrk 335, vì vậy các nhà khoa học đưa kính viễn vọng NuSTAR đến gần lỗ đen siêu lớn để có cái nhìn gần hơn.
Các quan chức NASA cho biết, nghiên cứu mới có thể làm sáng tỏ bản chất và các điều kiện khắc nghiệt gần lõi của các lỗ đen khổng lồ, dù chưa hiểu rõ vầng hào quang sinh ra thế nào hoặc lý do tại sao nó thay đổi hình dạng của nó. Nghiên cứu được công bố trong Thông báo hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh.
Lưu Thoa (theo HP)