“Báu vật” thế giới trên núi Sơn Trà

Google News

Voọc chà vá chân nâu sống trên núi Sơn Trà - Đà Nẵng - “báu vật” của thế giới - đang bị đe doạ bởi sự phát triển của kinh tế du lịch.

TS Ulrike Streicher (Đức) - chuyên gia động vật học, người đã sống và nghiên cứu linh trưởng ở Việt Nam 15 năm nay - nhận định, loài voọc chà vá chân nâu sống trên núi Sơn Trà - Đà Nẵng là “báu vật” của thế giới. Nhưng giá trị hiếm quý đó không phải ai cũng biết; bởi vậy, nếu quá vô tình hoặc không có sự quan tâm bảo tồn đúng mức trong quá trình phát triển kinh tế du lịch thì nguy cơ đánh mất “báu vật” là rất cao.

Khỉ ở Đà Nẵng lên sóng BBC

Từ trên đỉnh Sơn Trà nhìn về Đà Nẵng, cầu dây văng Thuận Phước nổi bật trên thẳm xanh cửa biển. Thành phố gần lại, như với được trong tầm tay. Vậy mà Sơn Trà vẫn thâm u rừng rậm. Tôi lặng thinh ngồi bên vệ đường bêtông, nghe rõ tiếng gió biển lùa qua kẽ lá. Bầy khỉ thấy có người vội biến vào lùm cây rồi nháo nhác rung cành để doạ... người.

Cảnh này làm tôi liên tưởng đến bầy khỉ thông minh trong phim “Loài khỉ nổi dậy”, băng qua cây cầu Cổng Vàng, tràn về TP.San Francisco (Mỹ) để khơi mào chiến tranh, giành quyền tối cao... “Phượt” thêm vài cây số đường rừng, tôi tình cờ gặp đoàn làm phim của Hãng BBC (Anh) đang ẩn phục ghi hình loài voọc.

 Voọc chà vá chân nâu - “báu vật” của thế giới trên núi Sơn Trà, Đà Nẵng.

Hai nhà làm phim Gavin Boyland và Mark Macewen đã chọn lên núi Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) những ngày đầu xuân mới Quý Tỵ để làm phim về các loài linh trưởng sống trên đỉnh núi được mệnh danh “núi Khỉ” này. Gavin là đạo diễn chuyên làm phim về các loài linh trưởng trên thế giới của Hãng BBC. Mục đích chuyến đi Đà Nẵng lần này của anh là để giới thiệu trên sóng truyền hình BBC loài voọc chà vá chân nâu - một loài linh trưởng quý hiếm trên thế giới, có nguy cơ bị tuyệt chủng, thuộc danh mục Sách đỏ thế giới - vẫn còn rộn ràng sống ngay sát TP.Đà Nẵng sôi động.

Trong các loài linh trưởng sống tràn ngập trên bán đảo chỉ rộng chừng 4.500ha, thì loài chà vá chân nâu tỏ ra “kín đáo” hơn. Để đặc tả được cuộc sống của các gia đình loài voọc này, đoàn làm phim đã phải đi sớm về khuya trong 5 ngày. Dẫu vậy, theo Gavin, đây là lần làm phim thuận tiện nhất. Núi rừng rậm, dày đặc cây cổ thụ nhưng lại ngay trong lòng thành phố. Hơn nữa, bầy voọc chà vá chân nâu trên Sơn Trà lại dễ gần gũi, thân thiện với con người hơn so với các bầy linh trưởng mà anh đã từng tiếp cận, làm phim trên thế giới.

Tìm khỉ, được... vợ

Đoàn làm phim từ nước Anh xa xôi sẽ không biết được loài voọc chà vá chân nâu cực kỳ quý hiếm này nếu không thông qua vợ chồng TS Ulrike Streicher. Chị Ulrike - chuyên gia động vật học, còn anh Larry Olibarri - nghiên cứu sinh về loài voọc chà vá Việt Nam. Ulrike người Đức, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội từ những năm 2000. Phần lớn thời gian ở Việt Nam, Ulrike đã sống cùng với các loài động vật hoang dã ở rừng Cúc Phương. Larry thì đã đặc biệt quan tâm về loài voọc chà vá Việt Nam.

Từ những năm 2005-2007, khi còn nghiên cứu về các loài động vật trong Sách đỏ ở Trường ĐH Colorado (Mỹ), Larry quyết định đến Đà Nẵng để thoả nguyện đam mê nghiên cứu của mình. Một lần, trong chuyến mở rộng khảo sát ra rừng Cúc Phương, Ninh Bình, Larry tình cờ gặp Ulrike - một chuyên gia về động vật học rất đồng cảm với đam mê của anh. Họ đã cùng nhau nghiên cứu về voọc chà vá chân nâu và rồi “nhờ khỉ” mà họ thành vợ thành chồng.

Hai người đã chọn Đà Nẵng để định cư hơn 4 năm nay. Phải mất hơn 1 năm “làm quen”, có lúc từ tờ mờ sáng, có khi đến đêm đen, lũ voọc chà vá chân nâu mới thân thiện với anh. Bây giờ thì vợ chồng anh đã bồng bế được lũ voọc trên người. Chúng còn dắt anh chị để giới thiệu với gia đình voọc của mình.

Ulrike nhận định, loài voọc chà vá chân nâu sống trên núi Sơn Trà không chỉ là “báu vật” của Việt Nam mà là của cả thế giới. Loài voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà là đàn lớn nhất hiện nay, nếu bị mất đi thì sẽ tuyệt chủng trên toàn thế giới. Thế nhưng hiện nay gần như thiếu thông tin cần thiết về loài voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà, trong khi xu thế mở rộng thành phố và phát triển kinh tế du lịch ngày càng nhìn vào bán đảo xanh này. Bởi vậy, nếu không có sự quan tâm bảo tồn đúng mức thì bảo vật thuộc diện quý giá của thế giới này sẽ đối mặt nguy cơ bị xâm hại, tuyệt chủng...

Bắc cầu xanh cho khỉ

Loài voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà được phát hiện, nghiên cứu từ năm 1969. Đến nay, đã có ít nhất 5 đoàn nghiên cứu, khảo sát thực địa để tìm hiểu sâu về loài linh trưởng quý hiếm đặc biệt này. Hiện voọc chà vá chân nâu có tên trong nhóm IB, mức nguy cấp (E) trong Sách đỏ Việt Nam, mức nguy cấp (EN) trong danh mục Đỏ IUCN 2006 (IUCN, 2006), và Công ước CITES (CITES Secretariate, 1998). Tư liệu nghiên cứu về voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà tương đối rõ, song mức độ tuyên truyền trong dân chúng để nâng cao ý thức bảo vệ thì chưa được bao nhiêu.

 Những chiếc cầu xanh bắc qua đường bêtông giúp các loài khỉ di chuyển.

Ông Phan Thế Dũng - nguyên Hạt trưởng Kiểm lâm Sơn Trà, người đã có đề tài nghiên cứu chuyên sâu về các loài động vật hoang dã trên núi Sơn Trà - cho biết, từ năm 2005 trở về trước, tình trạng săn bắt, đặt bẫy thú trên Sơn Trà còn xảy ra nhiều, và nguy cơ tuyệt chủng của loài voọc chà vá chân nâu là rất lớn. Trước đây, khi Đà Nẵng chưa chỉnh trang, phát triển đô thị, người dân sống ở vùng giáp ranh núi rất đông. Họ lại sống dựa vào rừng, thường xuyên lên núi đốn củi, khai thác gỗ, đốt ong, đặt bẫy thú...

Song bây giờ thì ngược lại. Gần như cư dân vùng này đang ra sức bảo vệ rừng, bởi họ biết vốn quý giá của Sơn Trà khi họ đã chuyển đổi sang làm dịch vụ du lịch. Tuy vậy, còn có một nguy cơ khác đó là các dự án “du lịch”, đường giao thông đang “tấn công” mạnh mẽ lên Sơn Trà.

Theo TS Ulrike, loài voọc chà vá chân nâu hiện chỉ tồn tại vài ba đàn ở Lào, Campuchia và Việt Nam. Tuy vậy, không có nơi nào chúng có được môi trường trú ngụ tuyệt vời như Sơn Trà, Đà Nẵng. Tuy được phát hiện từ năm 1969, nhưng đến nay số lượng vẫn tương đối ổn định với trên dưới 200 cá thể, chia làm 80 gia đình. Sơn Trà như một ốc đảo với 3 mặt giáp biển, 1 mặt giáp với thành phố đông đúc dân cư. Hệ động thực vật ở đây phong phú, là lãnh địa cư trú lâu đời của các loài linh trưởng.

Việc mở rộng đường giao thông quanh bán đảo và phát triển nhiều khu du lịch như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của lũ voọc. Điều cần thiết nhất hiện nay là tăng cường tuyên truyền đến nhân dân; giới thiệu cho người Đà Nẵng biết được họ có được một “báu vật” quý giá tầm thế giới ngay trong lòng thành phố của mình.

Có lẽ chính vì điều mong ước như vậy mà từ đầu năm 2012, vợ chồng Ulrike và Larry đã bỏ tiền túi, tự làm một triển lãm về loài voọc chà vá chân nâu và nguy cơ bị tuyệt chủng tại Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Sơn Trà). Việc khai thác tiềm năng du lịch trên Sơn Trà chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các loài động vật hoang dã, nhưng với chính quyền Đà Nẵng, việc bảo vệ Sơn Trà giống như bảo vệ “lá chắn”, “lá phổi” của thành phố. Từ năm 2011, đã có dự án bắc những cây cầu xanh bằng dây thừng, vòm cây qua đường bêtông cho các loài khỉ tiện di chuyển.

Đạo diễn Gavin Boyland (Hãng BBC) kể, tôi đã mở một số đoạn phim về voọc chà vá chân nâu cho các bạn trẻ đi du lịch xem, họ rất thích thú và tỏ ra yêu quý loài vật này. Tuy vậy, theo Gavin Boyland, hãy tạo điều kiện cho lũ voọc có thể thân thiện, như từng nhảy nhót trên vai vợ chồng Ulrike và Larry. Tôi và anh hãy bắt đầu từ những bài báo, những thước phim này.

 Mô hình cầu cây xanh đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam

Những cây cầu cây xanh (cầu dây treo) ở Sơn Trà là mô hình cầu cây xanh đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam. Trước đó, mô hình cầu cây xanh này đã được làm thành công tại Ấn Độ và một số nơi ở Châu Phi. Theo TS Ulrike Streicher, sẽ mất một khoảng thời gian để động vật ở đây chấp nhận sự có mặt của những cây cầu này và học cách sử dụng chúng. Nhưng một khi chúng đã sử dụng cầu để di chuyển thì chúng sẽ có thể di chuyển qua các khu vực của rừng dễ dàng và đi kiếm ăn. Bằng cách này, nguồn thức ăn của voọc sẽ dồi dào hơn và điều kiện sinh tồn của chúng sẽ tốt hơn rất nhiều.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Lao Động