Các nhà sinh vật học phát hiện thời gian gấu Bắc cực kiếm ăn tại lãnh địa của chim biển tăng lên hàng năm khi chúng tìm kiếm nguồn thực phẩm thay thế trong mùa sinh sản. Họ nhận thấy rằng thời gian gấu Bắc cực bắt đầu tấn công các tổ chim hiện nay sớm hơn 1 tháng so với cách đây 10 năm, thời điểm gấu ăn trứng chim lần đầu tiên được ghi nhận.
Các nhà khoa học cho rằng 90% tổ chim tại khu vực họ quan sát bị gấu Bắc cực tấn công. Họ cảnh báo rằng băng ở Bắc cực tan nhanh khiến gấu khó săn được những con mồi truyền thống như hải cẩu, nên số vụ gấu tấn công tổ chim biển tăng lên.
|
Gấu Bắc cực tấn công tổ của ngỗng đen trên quần đảo Svalbard.
|
Tiến sĩ Jouke Prop, nhà sinh vật học tại Khoa nghiên cứu Bắc cực thuộc trường Đại học Groningen (Hà Lan), cho biết: “Khi một kẻ săn mồi mới xuất hiện, sự cân bằng vốn có giữa động vật săn mồi và con mồi có thể bị xáo trộn. Gấu Bắc cực đang định cư trên các vùng ven biển, nơi chúng thường vắng bóng trong thời gian rất dài trước đây.
Chúng chuyển sang tấn công công các tổ chim để lấy trứng làm thức ăn. Nạn nhân của chúng thường là vịt biển và mòng biển”.
|
Ngỗng bất lực nhìn gấu Bắc cực ăn trứng trong tổ của chúng.
|
Tiến sĩ Jouke và các cộng sự phát hiện mức độ gấu Bắc cực tấn công tổ chim biển tương quan với diện tích mặt băng bị thu hẹp. Nhóm nghiên cứu đã kết hợp những hình ảnh chụp vệ tinh của NASA về diện tích băng bao phủ ở Greenland và Spitsbergen với quan sát lãnh địa chim biển tại đó.
Một con gấu Bắc cực có thể ăn khoảng 200 quả trứng trong một lãnh địa của chim biển, nhưng có lúc một con gấu có thể ăn tới 1.000 quả trứng.
Tiến sĩ Jouke cho biết không một con chim non nào sống sót tại Nordenskioldkysten vào năm 2014. Tại những khu vực khác như Belsund, Kongsfjorden và Hornsund trên quần đảo Svalbard và đảo Traill ở Đông Greenland, hơn 90% tổ chim bị gấu Bắc cực tấn công.
Hà Vũ (theo DM)