Nhóm khảo cổ học đến từ Bảo tàng Quốc gia Kenya và một số trường đại học ở bang Utah và Arkansas (Mỹ) vừa khai quật được những phần xương thuộc về loài sư tử khổng lồ chưa từng được biết đến trước đây.
|
Các hóa thạch vừa khai quật được ở Kenya. Kết quả dựng hình mô phỏng cho thấy nó thuộc về một con sư tử khổng lồ - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp. |
Trong bài báo được công bố trên tạp chí khoa học Journal of Paleontology, nhóm tác giả gọi đây là một "quái vật". Bởi lẽ kết quả dựng lại hình ảnh từ những phần xương thu thập được cho thấy sinh vật đã tuyệt chủng này cao ít nhất bằng người trưởng thành và là một sát thủ đáng sợ.
Với phần xương sọ và những răng nanh khổng lồ, đây là loài sinh vật từng thống trị các hoang mạc ở Châu Phi. Bữa ăn của chúng thường là các động vật ăn cỏ to lớn sống thành bầy trên hoang mạc. Ước tính các hóa thạch này có tuổi đời khoảng 200.000 năm.
Đây cũng là loài sư tử lớn nhất trong số tất cả các loài sư tử từng được ghi nhận từ trước đến nay, bao gồm sư tử cổ đại lẫn hiện đại. Địa điểm khai quật được hóa thạch là vùng Natodomeri ở Tây Bắc Kenya.
Châu Phi cũng được coi là quê hương của loài sư tử hiện đại, với những cá thể đầu tiên xuất hiện ở khu vực phía Nam và Đông Phi. Hiện nay, nhiều loài sư tử hiện đại cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Con sư tử đực hiện đại lớn nhất được ghi nhận nặng 272kg, trong khi con cái lớn nhất là 152 kg. Chiều cao trung bình của sư tử chỉ ngang thắt lưng người lớn hoặc thấp hơn, tức chỉ bằng một nửa so với sinh vật khổng lồ vừa được khai quật.
Theo Người Lao Động