Xuất hiện shipper online giả mạo... "móc túi" 800 triệu của khách hàng

Google News

Với một thủ đoạn tinh vi và sự kết hợp giữa công nghệ và tâm lý của nạn nhân, lừa đảo qua các cuộc gọi giả mạo shipper đang trở thành vấn đề đáng báo động.

Trong thời gian gần đây, một chiêu thức lừa đảo tinh vi đã xuất hiện và khiến hàng nghìn người tiêu dùng bị lừa mất tiền qua những cuộc gọi từ kẻ giả danh shipper. Những đối tượng này đã lợi dụng sự phổ biến của các dịch vụ giao hàng trực tuyến và thương mại điện tử để chiếm đoạt số tiền lớn từ người dân. Thủ đoạn của chúng không chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang mà còn gây ra những hậu quả nặng nề về tài chính.
Chiêu trò quen nhưng vẫn có người mắc bẫy
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận đơn trình báo về một vụ lừa đảo nghiêm trọng, khiến một người phụ nữ ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội mất gần 800 triệu đồng.
Theo trình báo của chị Đ.N., vào ngày 5/2/2025, chị nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là shipper, thông báo giao hàng. Tuy nhiên, do không có mặt tại nhà, chị Đ.N. đã yêu cầu shipper gửi hàng vào lễ tân và chuyển số tài khoản để thanh toán. Sau khi chị chuyển tiền, đối tượng lừa đảo lại liên lạc và thông báo rằng do sơ suất, shipper đã gửi nhầm số tài khoản của đơn vị giao hàng nên sẽ báo trung tâm để hướng dẫn chị N. lấy lại tiền và nhờ chị N. chuyển lại giúp vào số tài khoản cá nhân của tài xế và gửi đường link facebook cùng cú pháp "Tôi muốn hủy đăng ký chạy ship và hoàn lại 1032k do ship gửi nhầm số tài khoản". Chị N đã làm theo hướng dẫn.
Ít phút sau, một tài khoản messenger ghi là GIAOHANGTIETKIEM gọi cho chị N., giới thiệu là nhân viên chăm sóc khách hàng, hướng dẫn chị N chia sẻ màn hình messenger và hướng dẫn các thao tác qua đường link: Chatlink.wchatlink.com.
Theo chị N., sau khi thao tác, do thấy sự phức tạp nên đã trả lời không đồng ý tiếp tục nhưng ngay sau đó bên shipper liên hệ lại xin lỗi và nhờ giúp việc chuyển hoàn tiền và nói nếu không hoàn thì sẽ bị lưu như hội viên của trung tâm, mỗi tháng sẽ trừ số tiền 3,5 triệu đồng tiền hội viên. Vì vậy, nên chị N. tiếp tục thực hiện các hướng dẫn qua mesenger. Phía nhân viên chăm sóc khách hàng tiếp tục yêu cầu chị N. cung cấp số tài khoản ngân hàng.
Sau đó, chị N. đã vào tài khoản ngân hàng để kiểm tra theo yêu cầu của đối tượng. Qua 2 lần chuyển, tổng số tiền chị N. chuyển cho đối tượng là 798.698.888 đồng. Sau khi đã lừa chị N. đối tượng lừa đảo vẫn bình tĩnh giới thiệu chị N. gặp 1 người tên Tuấn để được hướng dẫn lấy lại số tiền trên. Trao đổi 1 vài tin nhắn, chị N. đã nhận ra và lo sợ sẽ tiếp tục bị lừa vào một lý do khác nên đã không trao đổi thêm.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngày 11/2, chị N. đã đến Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội để trình báo. Tiếp nhận tin báo, lực lượng nghiệp vụ của Công an TP đang khẩn trương áp dụng các biện pháp điều tra.
Xuat hien shipper online gia mao...
(Ảnh minh hoạ:Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An)
Nhiều nạn nhân khác cũng đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo với chiêu trò "hủy đăng ký shipper" tương tự, gây thiệt hại không nhỏ về tài chính. Trước đó, cũng từ một đơn hàng, anh P.M.C. (ở huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) đã bị chiếm đoạt hơn 183 triệu đồng.
Theo trình báo, sáng ngày 15/10/2024, anh C. nhận điện thoại thông báo trả 30.000 đồng phí giao một kiện hàng. Anh C. chuyển tiền và được thông báo đã chuyển nhầm số tài khoản. Đối tượng nói thao tác chuyển nhầm đã khiến anh C. vô tình đăng ký làm thành viên công ty giao hàng. Nếu không hủy, mỗi tháng anh C. sẽ bị phạt 3,5 triệu đồng.
Nghe theo hướng dẫn của đối tượng để hủy đăng ký, anh C. truy cập vào một đường link, làm theo các bước và đột ngột nhận thông báo tài khoản ngân hàng đã bị mất hơn 183 triệu đồng.
Xuat hien shipper online gia mao...
Giả mạo nhân viên giao hàng gọi điện để lừa đảo. (Ảnh: Công an TP.HCM) 
Dễ dàng nhận thấy rằng, các vụ shipper giả mạo này đều có những điểm chung nhất định. Đầu tiên, các đối tượng lừa đảo đều tạo ra một tình huống khẩn cấp, thông qua cuộc gọi giả mạo từ shipper hoặc đơn vị giao hàng. Sau khi nạn nhân chuyển tiền cho "chi phí giao hàng", các đối tượng này lại liên lạc và xin lỗi vì "gửi nhầm tài khoản", yêu cầu người bị lừa chuyển lại tiền vào tài khoản cá nhân của chúng. Lợi dụng sự lo lắng và thiếu hiểu biết của nạn nhân, chúng tiếp tục ép buộc họ thực hiện các thao tác thông qua các liên kết giả mạo, nhằm chiếm đoạt một số tiền lớn.
Thủ đoạn lừa đảo này sử dụng yếu tố tâm lý khiến người tiêu dùng dễ dàng tin tưởng và thực hiện theo các yêu cầu mà không kiểm tra kỹ càng. Bên cạnh đó, chúng cũng tận dụng các nền tảng như Messenger và các đường link giả mạo website để tạo lòng tin cho nạn nhân.
Cảnh giác với cuộc gọi từ shipper giả mạo
Trước tình trạng lừa đảo ngày càng gia tăng, Công an TP. Hà Nội và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng về chiêu thức lừa đảo này.
Trung tá Phan Quang Vinh, Đội trưởng Đội Phòng ngừa đấu tranh tội phạm xâm phạm sở hữu (PC02 - Công an Hà Nội), nhận định rằng hình thức lừa đảo này là một thủ đoạn mới, nhắm vào người mua hàng trực tuyến. Theo ông, các đối tượng thường lợi dụng các buổi livestream bán hàng trên mạng xã hội như TikTok, Shopee, Facebook... để thu thập thông tin đơn hàng, bao gồm tên, số điện thoại, địa chỉ, loại hàng hóa và số tiền thanh toán. Sau khoảng 1-2 ngày, chúng sẽ liên hệ trực tiếp với người mua thông qua số điện thoại đã thu thập được.
Những kẻ lừa đảo cũng có chiến thuật lựa chọn thời gian liên lạc phù hợp để tăng khả năng thành công. Chúng thường gọi vào giờ hành chính khi giao hàng đến nhà riêng, hoặc ngoài giờ hành chính nếu giao đến công ty, văn phòng – những thời điểm mà nạn nhân dễ mất cảnh giác. Khi đó, do tin rằng đơn hàng là thật, nhiều người sẽ đồng ý để lại hàng và chuyển khoản thanh toán mà không kiểm tra kỹ.
Một khi nạn nhân đã chuyển tiền, các đối tượng sẽ tiếp tục gọi lại, thông báo rằng số tài khoản nhận tiền là của nhân viên vận chuyển chứ không phải tài khoản chính thức của công ty giao hàng. Chúng đưa ra lý do nếu không thực hiện "hủy đăng ký shipper", tài khoản sẽ tự động bị trừ phí thành viên hàng tháng. Đánh vào tâm lý lo sợ mất tiền, nạn nhân thường làm theo các hướng dẫn của kẻ gian.
Ngoài ra, những kẻ lừa đảo còn sử dụng mạng xã hội như Zalo, Telegram, Viber để tiếp tục liên lạc, đưa ra các yêu cầu chuyển tiền nhiều lần với lý do sai tài khoản hoặc không đúng cú pháp. Bên cạnh đó, chúng cũng cung cấp các đường link giả mạo, yêu cầu nạn nhân cài đặt ứng dụng có chứa mã độc, từ đó chiếm quyền kiểm soát thiết bị và thực hiện các giao dịch rút tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Trung tá Vinh cũng nhấn mạnh rằng, tội phạm công nghệ cao có khả năng thích nghi rất nhanh và thường xuyên thay đổi thủ đoạn để đánh lừa nạn nhân. Để phòng tránh, ông khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm theo các hướng dẫn chuyển tiền từ người lạ, không truy cập các đường link không rõ nguồn gốc, và không tải ứng dụng ngoài những nền tảng chính thống. Ông cũng lưu ý rằng các điện thoại dùng hệ điều hành Android thường dễ bị tấn công hơn do tính "mở" của hệ điều hành này, giúp các phần mềm độc hại dễ dàng xâm nhập hơn.
Ngoài ra, vị Đội trưởng cũng cảnh báo về các hình thức lừa đảo liên quan đến đầu tư chứng khoán trực tuyến. Theo ông, nhiều đối tượng đã tạo ra những trang web giả mạo có giao diện tương tự sàn giao dịch hợp pháp để đánh lừa người dân. Khi nạn nhân chuyển tiền với mục đích đầu tư cổ phiếu, thực chất họ đang nạp tiền vào tài khoản của kẻ lừa đảo.
Việc truy vết các đối tượng lừa đảo cũng gặp nhiều khó khăn do chúng sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài, gây trở ngại lớn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin truyền thông) cũng đã phát đi cảnh báo thủ đoạn giả danh nhân viên giao hàng của các thương hiệu chuyển phát uy tín để chiếm đoạt tài sản của người dân. Cục An toàn thông tin cũng đề nghị người tiêu dùng trực tuyến luôn xác minh thông tin liên quan đến các dịch vụ hoặc chương trình khuyến mãi. Người tiêu dùng cũng không nên chuyển tiền cho các đối tượng yêu cầu thanh toán trước khi nhận hàng hoặc trước khi đăng ký dịch vụ; Đặc biệt là tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn do người lạ gửi đến.
Theo Cục An toàn thông tin, để không trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tuyển dụng, các ứng viên cần cẩn trọng trước những thông tin không rõ nguồn gốc hoặc các cuộc gọi, tin nhắn bất thường; Luôn kiểm tra thông tin về đơn vị tuyển dụng qua website, fanpage chính thống và các nguồn tin đáng tin cậy khác.
Xuat hien shipper online gia mao...
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người tiêu dùng không nên chuyển tiền cho các đối tượng yêu cầu thanh toán trước khi nhận hàng hoặc trước khi đăng ký dịch vụ. (Ảnh: Cục ATTT) 
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, thủ đoạn giả mạo shipper giao hàng không phải là mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây chiêu lừa đảo này lại được các đối tượng xấu sử dụng trở lại với một số biến tướng. Điều này trở thành một vấn nạn đáng báo động, gây thiệt hại tài sản cho nhiều người dân.
Một trong những chiêu thức đáng chú ý là việc các đối tượng sử dụng thủ đoạn giả làm shipper của các công ty vận chuyển uy tín để gọi điện thoại cho nạn nhân, thông báo có đơn hàng cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán khi nhận hàng. Sau khi lừa được số tiền nhỏ, các đối tượng tiếp tục gửi đường link hoặc dụ dỗ nạn nhân vào nhóm Telegram để thực hiện các chiêu trò khác. Chúng có thể đe dọa rằng tài khoản của nạn nhân đã bị đăng ký “hội viên” và sẽ bị trừ tiền hàng tháng nếu không nộp thêm một khoản phí để “hủy đăng ký”.
Đối với hành vi đóng giả shipper nhằm chiếm đoạt tiền của người khác có thể sẽ bị xử phạt về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Có thể hiểu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối như đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) để chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin tưởng và giao tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt.
Xuat hien shipper online gia mao...
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự thì người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác, tùy thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm mà có các hình thức xử phạt khác nhau có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đồng thời, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu toàn bộ tài sản.
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản lần đầu mà chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự thì chỉ bị phạt hành chính. Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả sẽ bị phạt từ 02 - 03 triệu đồng. Trường hợp tổ chức thực hiện hành vi trên thì bị phạt từ 04 - 06 triệu đồng.
Để không mắc bẫy thủ đoạn lừa đảo này, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi mua hàng trực tuyến, luôn thực hiện xác minh thông tin liên quan đến đơn hàng, dịch vụ giao hàng đang sử dụng với đơn vị cung cấp qua số điện thoại hoặc địa chỉ chính thức; tránh để các thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ… công khai trên mạng xã hội; không chuyển tiền thanh toán khi chưa chắc chắn đã nhận được hàng; tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ, không cung cấp mã OTP cho bất kì ai. Không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận và tuyệt đối không click vào bất cứ đường link nào do người lạ gửi tới để tránh mắc bẫy kẻ gian. Việc tự mình lấy lại số tiền bị lừa đảo thường rất khó thực hiện bởi người bị hại không biết kẻ lừa đảo mình là ai, ở đâu để đòi. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, phải dừng giao dịch ngay và cung cấp thông tin vụ việc cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý.

Mời quý độc giả xem video: Cảnh báo lừa đảo combo du lịch. Video do báo Tri thức & Cuộc sống thực hiện. 


Thiên Trang