Xót xa chú hươu cao cổ mắc bệnh lạ, u nhú nổi khắp người

Google News

Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Marius Nortje đã chụp được ảnh một con hươu cao cổ với các khối u lớn mọc từ mặt, cổ và thân tại Công viên Quốc gia Kruger, Nam Phi. Con vật mắc phải một dạng virus hiếm gặp.

Bức ảnh chụp một con hươu cao cổ với các khối u lớn mọc từ mặt, cổ và thân tại Công viên Quốc gia Kruger, Nam Phi hiện nhận được sự quan tâm lớn của công chúng. Marius Nortje - nhiếp ảnh gia động vật hoang dã đã chụp được bức ảnh này.
Xot xa chu huou cao co mac benh la, u nhu noi khap nguoi
Con hươu cao cổ có nhiều khối u lớn mọc từ mặt, cổ và thân tại Công viên Quốc gia Kruger, Nam Phi. Ảnh: Marius Nortje.
Các chuyên gia nghi ngờ rằng con hươu cao cổ trên có thể đã nhiễm virus papilloma ở bò (BPV). Đây là một loại virus thường chỉ ảnh hưởng đến gia súc và cực kỳ hiếm gặp ở hươu cao cổ.
Virus papilloma thuộc nhóm virus lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm hoặc môi trường bị ô nhiễm. Loại virus này cũng có thể lây nhiễm sang người, điển hình là virus papilloma ở người (HPV) - một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất.
CEO Gemma Campling của tổ chức Worldwide Vets cho hay việc hươu cao cổ nhiễm loại virus này là một hiện tượng mới và rất hiếm. Bà cho hay hiện vẫn chưa thể khẳng định liệu con hươu cao cổ có thể tự phục hồi hay không.
Xot xa chu huou cao co mac benh la, u nhu noi khap nguoi-Hinh-2
 Ảnh: Marius Nortje.
Theo các báo cáo, hươu cao cổ bị nhiễm papillomavirus sẽ phát triển các tổn thương có vảy trên da. Ban đầu, chúng chỉ là những mảng dày nhưng sẽ từ từ lan rộng rồi hợp nhất thành các khối u lớn. Khi các khối u vỡ ra, chúng để lại vùng loét thô ráp dẫn tới dễ lây lan hơn.
Trong trường hợp này, các khối u trên cơ thể của con hươu cao cổ không ảnh hưởng đến khả năng ăn uống và sinh hoạt. Theo bà Campling, điều này nghĩa là loài này vẫn có thể sống hết tuổi thọ bình thường dù chúng mang bệnh.
Trước đó, năm 2007, 2 con hươu cao cổ ở Kruger cũng mắc bệnh tương tự và được an tử nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus. Quá trình phân tích ADN sau đó xác nhận sự hiện diện của BPV trong các tổn thương của chúng.
Hiện các nhà khoa học chưa thể xác định chính xác cách thức lây nhiễm virus ở hươu cao cổ. Nguyên nhân là bởi loài vật này không tiếp xúc vật lý nhiều với nhau. Vì vậy, họ suy đoán các vật thể trung gian mang mầm bệnh như ve ký sinh, chim ăn ve... có thể đóng vai trò quan trọng trong việc lây truyền virus.

Mời độc giả xem video: Động vật được trao danh hiệu sinh vật chịu nóng tốt nhất thế giới.


Tâm Anh (theo Livescience)