Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature, một nhóm các nhà bảo tồn động vật hoang dã quốc tế đã cảnh báo một thực trạng đáng lo ngại trong công tác của họ. Theo đó, có tới 1/5 các loài bò sát, bao gồm cá sấu và rắn, đang bị các chương trình bảo tồn động vật bỏ rơi đến mức bị đe dọa tuyệt chủng.
Lý do là vì có quá ít người quan tâm đến những loài bò sát này, chúng vừa xấu xí lại hay cắn người nên không nhận được thiện cảm của công chúng. Điều này dẫn tới việc vận động tài trợ cho các nghiên cứu và hoạt động bảo tồn bò sát gặp nhiều khó khăn.
Kết quả là hơn 1.800 loài trong số chúng đã rơi vào danh sách đe dọa tuyệt chủng. 31 loài đã biến mất vĩnh viễn. Các nhà khoa học nghi ngờ rằng có cả những loài rắn và cá sấu đã tuyệt chủng trước cả khi được con người biết đến.
Trớ trêu thay, thực trạng này được cảnh báo quá muộn. Bởi chính nghiên cứu lần này của các nhà khoa học cũng bị trễ hẹn nhiều lần. Công việc thống kê đã kéo dài tới 15 năm mà vẫn không xong vì thiếu kinh phí.
Nhưng muộn còn hơn không, các nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp cho vấn đề. Và họ khẳng định bò sát dù xấu xí những cũng là những loài động vật cần phải bảo tồn, vì chúng có vai trò rất quan trọng đối với hệ sinh thái.
Những con bò sát bị coi là xấu xí
Trong khi bạn đang ngồi trong chăn ấm, vuốt ve con mèo của mình trong một ngày mưa lạnh gió rét, những con cá sấu chỉ ước được như vậy. Nhưng than ôi, chúng là một loài bò sát máu lạnh, chúng đâu có bộ lông mượt mà như loài mèo, thay vào đó là một làn da xù xì và thô ráp.
Cá sấu trông vừa đáng sợ vừa đáng ghét trong con mắt của chúng ta. Những câu chuyện, phim hoạt hình hoặc những tiết mục xiếc luôn lôi cá sấu ra làm một vai phản diện. Ngoài đời thực, cá sấu cũng tấn công và cắn người. Do đó, đa số mọi người bằng lòng với ý tưởng chúng nên được biến thành ví và túi xách hơn là được nuôi hay xứng đáng để bảo tồn.
Câu chuyện tương tự xảy ra đối với loài rắn. Rắn thậm chí còn là loài bò sát đứng đầu bảng trong danh sách những nội sợ của con người. Bạn có thể không sợ độ cao, không sợ vật nhọn, không sợ nói trước đám đông... nhưng có lẽ bạn sợ rắn.
Cho nên, nếu bây giờ một tổ chức từ thiện động vật đến nhà và vận động bạn góp 1 USD cho công tác bảo tồn rắn, câu hỏi mà bạn sẽ hỏi họ là: "Tại sao? Tại sao lại phải bảo tồn loài vật đáng sợ đó? Tôi không muốn có rắn bò vào nhà mình. Nếu tôi tìm thấy một con rắn trong vườn nhà, tôi sẽ giết chết nó, để bảo vệ những đứa con của mình".
Và đó là cách con người đã đưa loài rắn hổ mang ở Ấn Độ và Đông Nam Á vào danh sách các loài bị đe dọa tuyệt chủng.
"Hổ mang là loài rắn mang tính biểu tượng thực sự ở Châu Á. Vậy nên, thật xấu hổ khi ngay cả những loài bò sát phổ biến như rắn hổ mang cũng đang phải chịu đựng sự suy giảm", Neil Cox, giám đốc Bộ phận Đánh giá Bảo tồn Đa dạng Sinh học Quốc tế tại Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (UICN) cho biết.
Rắn hổ mang rõ ràng không phải loài bò sát duy nhất bị bỏ rơi. Trong nghiên cứu của mình, Cox đã khảo sát tổng cộng 10.196 loài bò sát để đánh giá chúng bằng các tiêu chí từ Sách đỏ của IUCN.
Kết quả cho thấy có ít nhất 1.829 loài, tương đương 21% đang nằm trong các nhóm dễ bị tổn thương, có nguy cơ tuyệt chủng hoặc nhóm cực kỳ nguy cấp. Các phân loài của cá sấu là đối tượng đang bị đe dọa nhiều nhất, với 58% loài cá sấu được tìm thấy trong nhóm này.
"Đó là hậu quả của tình trạng ngược đãi và khai thác quá mức", Cox nói. Ông nói cá sấu có truyền thống là loài bị giết để lấy thịt và da. Con người cũng không muốn có cá sấu xuất hiện trong các khu định cư của mình. Do đó, họ tích cực loại bỏ cá sấu.
Rắn thì thường bị giết chết ngay trong khu vực canh tác nông nghiệp của con người. Hoạt động khai thác gỗ và phát triển đô thị cũng được coi là một trong những mối đe dọa đến sự tồn tại của bò sát trên cạn.
Trong khi đó, các loài sống dưới nước bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác cát của con người. Nhiều loài bò sát cần cát để đẻ trứng. Con người đã cướp đi những bãi cát đó của chúng để làm thủy tinh, xi măng và đường băng...
Tới 90% các mối đe dọa đến sự tồn vong của bò sát là từ phía con người. Biến đổi khí hậu theo sau đó chỉ chiếm 10%. Ngoài ra, khi so sánh các loài bò sát với các loài chim hoặc động vật có vú đang phải đối mặt với cùng các mối đe dọa kể trên, Cox nhận thấy bò sát luôn có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn.
"Đối với nhiều người, bò sát không có sức lôi cuốn", ông nói. "Con người không thích sống gần bò sát vì chúng có thể gây nguy hiểm".
Nhưng chúng ta cần biết bò sát có vai trò quan trọng với hệ sinh thái
Trước khi con người xuất hiện trên Trái Đất hàng triệu năm, bò sát đã từng là chủ nhân thực sự của hành tinh. Các loài bò sát cổ đại sớm nhất đã xuất hiện trong các rừng mưa lá kim từ 312 triệu năm trước. Và như chúng ta biết ngày nay, khủng long cũng được phân loại là bò sát.
Mặc dù rất nhiều loài bò sát đã bị tuyệt chủng trong quá khứ, nhưng đến tận bây giờ, nhóm động vật này vẫn là những loài có xương sống trên cạn đông đúc nhất. Chúng nắm giữ một vai trò to lớn trong hệ sinh thái và là một phần quan trọng của chuỗi thức ăn trên hành tinh.
Các loài bò sát hầu hết là loài ăn thịt, nên chúng có nhiệm vụ kiểm soát các loài khác là con mồi của chúng. Ví dụ như một số loài rắn hổ mang ở Ấn Độ thực sự có tác dụng kiểm soát những loài chuột mang mầm bệnh.
Sự có mặt của rắn hổ mang - ngay cả ở trung tâm thành phố - cũng có tác dụng làm giảm dịch bệnh và sự hữu ích có thể vượt qua mức độ nguy hiểm của chúng.
Một số loài bò sát như thằn lằn có thể giúp kiểm soát các loài côn trùng gây hại cho mùa màng. Trong khi đó, cá sấu và cá sấu hoa hồng đang giúp kiểm soát các loài cá ở vùng ven biển và vùng đất ngập nước. Chúng ta cần cá sấu để duy trì sức khỏe của hệ sinh thái dưới nước, giúp các loài thủy sinh và thủy sản có thể phát triển.
Ngược lại, bò sát cũng đóng vai trò là con mồi cho các loài động vật khác. Đặc biệt là trứng và những con non của chúng thường bị săn bởi các loài cá lớn, chim lớn, gấu và mèo lớn. Ngay cả những con cá sấu trưởng thành cũng phải làm mồi cho báo, hổ và sư tử.
Một số loài bò sát ăn cỏ thậm chí còn giúp phân tán hạt giống và thụ phấn cho thực vật. Các loài bò sát ăn xác thối làm nhiệm vụ dọn dẹp môi trường và do đó hạn chế sự phát triển của các mầm bệnh sinh ra từ xác động vật.
Với vị trí linh hoạt của mình trong chuỗi thức ăn, các loài bò sát không chỉ giúp kiểm soát và giảm số lượng một số loài, chúng còn giúp nhiều loài khác phát triển mạnh.
Đối với con người, các loài bò sát như rắn hoặc cá sấu thường bị coi là động vật nguy hiểm. Chúng thỉnh thoảng vẫn giết người. Nhưng ngược lại, ít ai biết bò sát cũng có thể cứu sống nhiều sinh mạng.
Ví dụ các nhà khoa học đã sử dụng nọc rắn để phát triển một số lại thuốc điều trị bệnh cao huyết áp, suy tim và đau tim. Nọc độc của rồng Komodo có đặc tính chống đông máu có thể được dùng để điều trị đột quỵ hoặc thuyên tắc phổi.
Vậy làm thế nào để bảo tồn bò sát?
Trong nghiên cứu của mình, Cox và các đồng nghiệp chỉ ra một điểm sáng. Mặc dù số lượng các chương trình bảo tồn bò sát đúng nghĩa đang được tiến hành thực sự là rất ít, các loài bò sát vẫn được hưởng lợi ké từ các nỗ lực bảo tồn động vật có vú, chim và động vật lưỡng cư.
Đó là bởi hoạt động bảo tồn nói chung cũng giúp giữ gìn môi trường sống chung của sinh vật. Nhiều loài lưỡng cư còn là mồi cho bò sát, nên bảo tồn chúng cũng chính là bảo tồn nguồn thức ăn của các sinh vật này.
"Nếu bạn có những chương trình, dự án nhắm đến việc bảo tồn chim, động vật có vú và lưỡng cư, tại một địa điểm chúng sống cùng nhau, thì bạn cũng đang đồng thời bảo vệ nhiều loài bò sát ở đó, mặc dù tác động chỉ là tình cờ", Bruce Young, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Thực tế cũng cho thấy nếu các cơ quan bảo tồn động vật hoang dã và chính phủ các quốc gia quan tâm hơn đến bò sát, nỗ lực bảo vệ chúng có thể đảo ngược thành công những thiệt hại mà chúng ta đã gây ra.
Chẳng hạn như khoảng 50 năm trước, những người thợ săn cá sấu đã gần như xóa sổ loài sinh vật bản địa này khỏi các bang miền đông nam nước Mỹ. Nhưng tới năm 1967, khi chính phủ cấm hoạt động săn bắt cá sấu, quần thể loài bò sát này đã phục hồi trở lại, đến nỗi một số bang ở Mỹ bây giờ còn coi cá sấu là loài vật phiền toái. Họ phải lập một đường dây nóng cho người dân gọi tới mỗi khi cá sấu xâm nhập vào đất vườn hoặc tư gia.
Tuy nhiên, đứng giữa những dòng chảy trái ngược này, nghiên cứu của Cox và các đồng nghiệp vẫn nhấn mạnh một điều, rằng tư duy của chúng ta về các loài bò sát cần phải thay đổi. Chúng ta cần có cái nhìn công bằng hơn trong hoạt động bảo tồn các loài sinh vật này.
Không phải chỉ vì chúng xấu xí mà bò sát không đóng những vai trò quan trọng vào sức khỏe hệ sinh thái và của chính con người chúng ta. Sự thật, bò sát là một nhánh lớn trên cây sự sống, và chúng cũng xứng đáng được bảo vệ giống như cách chúng ta bảo vệ các loài sinh vật khác.
Theo Thanh Long / Báo Tổ Quốc