Thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh
Phát biểu tại Lễ biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam (Industrie 4.0 Awards) lần thứ 3, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc chủ động tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0.
|
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu. |
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó chuyển đổi số cho doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng.
Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, Việt Nam không chỉ là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư mà còn là một trung tâm đổi mới sáng tạo, với nhiều doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới.
TSKH Phan Xuân Dũng cho hay, ngày 10/10 không chỉ đánh dấu sự kiện lịch sử trọng đại - Ngày Giải phóng Thủ đô, là biểu tượng cho tinh thần kiên cường, đoàn kết và khát vọng vươn lên của dân tộc mà còn là Ngày Chuyển đổi số tại Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của chuyển đổi số trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cũng như khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
|
Trao chứng nhận Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam cho các doanh nghiệp, địa phương tiêu biểu. |
“Việc biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam nhằm đánh giá hiệu quả thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức, doanh nghiệp; biểu dương những thành công tiêu biểu, tiên phong trong công cuộc phát triển CMCN 4.0 và chuyển đổi số thuộc khối hành chính Nhà nước, doanh nghiệp”, TSKH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Cùng với đó, theo Chủ tịch VUSTA, sự kiện cũng thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế số; tạo sân chơi cho các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà máy thông minh, sản xuất thông minh, nghiên cứu KH&CN, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, năng lực quản trị kinh doanh.
Chương trình cũng hướng đến sự liên kết, kết nối cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp; hỗ trợ, tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế số.
24 doanh nghiệp được vinh danh
Theo Ban Tổ chức, Chương trình biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam đề ra các tiêu chí đánh giá cụ thể cho từng hạng mục: Top Doanh nghiệp công nghiệp 4.0; Top Tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; Top Doanh nghiệp có sản phẩm số thông minh và giải pháp công nghệ Công nghiệp 4.0; Top Tổ chức, địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
|
Ông Trần Đức Sơn, đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Đức Hòa (hàng trên cùng) cùng đại diện các doanh nghiệp tại Lễ vinh danh. |
Ban tổ chức đã lựa chọn ra được 30 hồ sơ đạt ở 4 hạng mục: Top doanh nghiệp Công nghiệp 4.0 Việt Nam; Top tổ chức, doanh nghiệp KH&CN và Đổi mới sáng tạo; Top doanh nghiệp có sản phẩm số thông minh và Giải pháp công nghệ Công nghiệp 4.0; Top tổ chức, địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện CMCN 4.0 và chuyển đổi số.
Ban Tổ chức đã biểu dương 24 doanh nghiệp với các sản phẩm, giải pháp số được trao tặng, vinh danh tiêu biểu như: Hợp tác xã nông nghiệp Đức Hòa, Công ty cổ phần Thành Công Biên Hòa, Công ty cổ phần Tập đoàn Cơ khí công nghệ cao Siba, Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty cổ phần công nghiệp cao su miền Nam, Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao…
Cùng với đó, có 6 tỉnh, thành phố được Ban Tổ chức ghi nhận những thành công tiêu biểu trong việc tổ chức, chủ động triển khai chủ trương cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình chuyển đổi số quốc gia như: Bình Dương, Trà Vinh, Long An, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Thái Nguyên.
Chia sẻ cảm xúc với PV Tri thức và Cuộc sống, ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đức Hòa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cho hay, ông rất hạnh phúc khi đại diện cho Hợp tác xã nhận vinh danh này. "Đây là động lực để chúng tôi phấn đấu hơn nữa", ông Sơn cho hay,
|
TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trao đổi bên lề sự kiện. |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên lề sự kiện, ông Nguyễn Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, Bộ tiêu chí đánh giá qua các năm cơ bản không thay đổi. Tuy nhiên, năm nay Ban Tổ chức chú trọng vào các giai đoạn chuyển đổi số.
“Chúng tôi đánh giá rất cao đơn vị nào xây dựng được cơ sở dữ liệu có thể tích hợp được vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Đồng thời, cũng đánh giá cao những doanh nghiệp, địa phương ứng dụng được trí tuệ nhân tạo vào các nền tảng để có thể làm thông minh hóa hệ thống quản lý cũng như sản xuất kinh doanh”, ông Quân nói.
Cũng theo ông Quân, những doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam là đối tượng được quan tâm nhiều nhất. Bởi nó đóng góp trực tiếp cho sự phát triển, tăng trưởng của GDP quốc gia. Và vì thế, trong hệ thống tiêu chí, Ban tổ chức đặt ra tiêu chí ngoài doanh thu, lợi nhuận và nghĩa vụ đối với Nhà nước (không có thuế), còn đánh giá thêm mức độ tăng trưởng của doanh nghiệp năm nay so với những năm trước đây, cũng như thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp nhờ có chuyển đổi số mà có mức tăng hằng năm. Những doanh nghiệp có chỉ số đó cao thì được đánh giá tốt hơn.
Năm nay, số doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ tham gia chưa tới 100. Có lẽ một phần do tiêu chí đánh giá tương đối khắt khe. Tuy nhiên, chất lượng khá tốt, dù số lượng tham gia không nhiều.
Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra Hội thảo khoa học "Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh trong CMCN 4.0". Các nhà quản lý, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về nhiều chủ đề như: Định hướng xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn cho công nghệ của CMCN 4.0; chuyển đổi số và tự động hóa trong doanh nghiệp công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng xanh; định hướng và phát triển công nghiệp văn hoá dựa trên công nghệ số và đổi mới sáng tạo; chiến lược AI cho phát triển doanh nghiệp số…
Đặc biệt, đối với AI, nhiều ý kiến đề xuất doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động trong chuyển đổi AI và có chiến lược rõ ràng, lộ trình phù hợp, dài hạn; đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực AI; hợp tác với các đối tác công nghệ và viện nghiên cứu; tham gia vào hệ sinh thái AI quốc gia và khu vực...
Mời quý độc giả xem video: Ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN trao đổi bên lề sự kiện về tiêu chí vinh danh Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam 2024. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan