Việt Nam thử nghiệm mô hình điện mặt trời trên biển

Google News

Một mô hình thử nghiệm điện năng lượng mặt trời trên biển đã được khởi công tại Cà Mau.

Công ty Cổ phần Địa ốc Xây dựng và Đầu tư Sài Gòn (SCTI) đã kết hợp cùng LONG TECH triển khai thí điểm mô hình điện năng lượng mặt trời trên biển.
Mô hình vị trí tại địa bàn Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, phía ngoài đê biển Tây và gần cầu vào Khu di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc (thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời).
Các nhà phát triển cho hay, mục đích thí điểm của mô hình để làm đánh giá nhiều mặt về môi trường xung quanh, như ảnh hưởng sóng, gió, kiểm tra độ mặn của nước biển để tiến tới triển khai dự án Nhà máy điện mặt trời Tây Cà Mau trong tương lai gần.
Dự kiến, mô hình sẽ có khoảng 18 tháng để thử nghiệm. Nhiều đơn vị kỹ thuật sẽ tham gia trợ giúp dự án như Long Tech, DAT, Huawei, Sungrow, Canadian Solar, JinKo Solar, Nam Long Tech... để nghiên cứu công nghệ khắc phục những khó khăn gây ra bởi thời tiết biển. Kết thúc quá trình thử nghiệm, mô hình sẽ được tháo dỡ, mặt bằng sẽ trở về nguyên trạng.
Viet Nam thu nghiem mo hinh dien mat troi tren bien
Các nhà đầu tư tham gia khảo sát dự án. Ảnh: Báo Đầu tư
Được biết, đây là mô hình nằm trong dự án đa công năng, thực hiện kè giảm sóng kết hợp năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy hải sản và khôi phục rừng ngập mặn. Quy mô công suất dự án khoảng 700 MWp, xây dựng tại khu vực ven biển, phần trong và ngoài kè giảm sóng ở các huyện Phú Tân và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, rộng khoảng hơn 766 ha.
Dự án sẽ trải qua hai giai đoạn trước khi đi vào hoạt động. Trong đó, giai đoạn 1 gồm 02 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 200 MWp, công suất 100 MWp mỗi nhà máy riêng biệt. Giai đoạn 2, bao gồm 2 nhà máy điện mặt trời có công suất lần lượt 100 MWp và 400 MWp.
Ngoài xây dựng nhà máy điện mặt trời, nhà đầu tư sẽ thiết kế thêm nhiều mô hình kết hợp khác đem lại nhiều lợi ích khác nhau. Theo đó, khoảng 18 km đến 21 km kè giảm sóng tạo bãi sẽ được xây kèm nhằm hạn chế tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại rừng phòng hộ và phần bờ biển phía Tây Cà Mau.
Bên cạnh đó, nhà máy được kỳ vọng cho ra phát triển nguồn năng lượng sạch, giúp khu vực trở nên ổn định để nuôi trồng thủy sản và giúp người lao động địa phương có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.
Hiện tại, dự án nhà máy điện Nhà máy điện mặt trời Tây Cà Mau đã được UBND tỉnh trình Bộ Công thương để thẩm định. Nếu đạt yêu cầu sẽ bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, thời hạn xét có thể đến năm 2030.
Hai Công ty SCTI Công ty TNHH Kỹ thuật và Thương mại Long Tech được biết từng đứng sau dự án xây dựng nhà để xe kết hợp điện năng lượng mặt trời lưu trữ tại trụ sở UBND thành phố Cà Mau với công suất 10 kW. Mô hình này được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm nguồn điện, phát triển nguồn năng lượng xanh bền vững trong tương lai.
H.S
Theo H.S / Doanhnhanvietnam