Qua theo dõi, giám sát trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại (mã độc) tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tấn công mạng nguy hiểm.
Theo thống kê từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, có khoảng 4,7 triệu địa chỉ IP của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng mã độc lớn.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giải pháp phòng, chống mã độc bảo vệ cho 100% máy chủ, máy trạm, thiết bị đầu cuối liên quan và có cơ chế tự động cập nhật phiên bản hoặc dấu hiệu nhận dạng mã độc mới.
|
Theo một số khảo sát, Việt Nam nằm trong "vùng trũng" an ninh mạng khu vực châu Á. Ảnh: ExtremeTech. |
Các giải pháp phòng, chống mã độc được đầu tư mới hoặc nâng cấp cần có chức năng cho phép quản trị tập trung, có dịch vụ, giải pháp hỗ trợ kỹ thuật 24/7, có khả năng phản ứng kịp thời trong việc phát hiện, phân tích và gỡ bỏ phần mềm độc hại.
Các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phải phù hợp với giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, giải pháp phòng, chống mã độc. Chủ động rà soát các điểm yếu, lỗ hổng trên hệ thống, tăng cường triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức mình.
Khi phát hiện dấu hiệu của các chiến dịch tấn công mạng, tổ chức cần thông báo về cơ quan chức năng liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.
Theo một khảo sát gần đây đến từ Microsoft, công ty mua 166 máy tính từ 9 thị trường khác nhau và tỷ lệ nhiễm malware tại thị trường châu Á đạt 83%, cao hơn hẳn khu vực châu Âu.
Mary Jo Schrade, Giám đốc bộ phận phòng chống tội phạm mạng (DCU) thuộc Microsoft, nhận định Việt Nam hiện nằm trong "vùng trũng" an ninh mạng khu vực châu Á.
Theo Thế Anh/Zing