Vì sao xóa Facebook lại khó đến vậy?

Google News

Lại một cuộc tranh cãi khác về Facebook, lại vi phạm sự riêng tư bằng cách cho phép người khác thu thập thông tin cá nhân. #deletefacebook hay tẩy chay Facebook, xóa Facebook là một cuộc tranh cãi lớn.

Một số người sẽ nghĩ đến việc rời khỏi Facebook, nhưng hầu hết hơn 2 tỷ người dùng sẽ … suy nghĩ lại. Đại đa số sẽ trở lại Facebook, giống như cách mà họ đã làm những lần trước. Người dùng phụ thuộc Facebook về mặt tâm lý, khiến họ không thể rời bỏ, dù ở một số góc độ, họ hiểu Facebook không tốt cho họ.
 
Nhiều thập kỷ nghiên cứu đã cho thấy mối quan hệ của chúng ta với tất cả các phương tiện truyền thông, dù là phim ảnh, truyền hình hay radio, đều có tính cộng sinh: Mọi người thích chúng vì họ nhận được sự hài lòng khi xem chúng – với những lợi ích như thư giãn, kết nối bạn bè. Càng nhiều người sử dụng, sự hài lòng càng cao.
Với Facebook, Twitter, Google – và thực tế là tất cả các nền tảng truyền thông tương tác - ngoài việc cung cấp nội dung, nó còn mang đến khả năng tương tác, đáp ứng một số nhu cầu bẩm sinh của con người.
Các công cụ tương tác trong Facebook cung cấp các cách thức đơn giản thu hút sự tò mò của bạn, truyền bá những suy nghĩ, hình ảnh của bạn, duy trì mối quan hệ và hoàn thành khao khát được nhìn nhận của mỗi người. Các phương tiện truyền thông xã hội tận dụng những đặc điểm và xu hướng tâm lý phổ biến để khiến bạn luôn luôn online và tiết lộ nhiều hơn về bản thân. Đây là lý do tại sao việc từ bỏ Facebook lại khó khăn đến như vậy.
Càng nhấp chuột trên mạng xã hội, các mối quan hệ trực tuyến của bạn càng mạnh mẽ. Nhấn nút 'Thích', bình luận ảnh của bạn bè, gửi lời chúc sinh nhật và gắn thẻ người khác chỉ là một số cách Facebook cho phép bạn tham gia vào "mạng xã hội". Tất cả những mối liên hệ nhỏ bé, thoáng qua này giúp người dùng duy trì mối quan hệ với một số lượng lớn mọi người, một cách tương đối dễ dàng.
Bạn càng tiết lộ, cơ hội thành công càng cao. Các nghiên cứu chỉ ra rằng chiến lược "tự tiết lộ" là tính năng chìa khóa khi sử dụng Facebook. Người dùng hình thành nhận dạng trực tuyến của họ bằng cách tiết lộ họ đã đi đến một buổi hòa nhạc nào đó và đi với ai, điều này khiến họ được ủng hộ, tung hô trong cộng đồng, bạn bè mà họ tham gia. Bằng cách này, bạn có thể tự quản lý hình ảnh trực tuyến và những ấn tượng của người khác về bạn, điều gần như không thể làm trong cuộc sống thực với mức độ kiểm soát và chính xác như vậy. Trên môi trường trực tuyến, bạn luôn luôn chủ động xây dựng phiên bản hoàn hảo về bản thân.
Bạn càng nhấp chuột nhiều, càng dễ dàng theo dõi người khác. Khả năng theo dõi này chính là một trong những điều hài lòng quan trọng nhất mà người dùng thu nhận được từ Facebook. Hầu hết mọi người thích thú tìm kiếm người khác trên mạng xã hội, thường là tìm kiếm lén lút. Nhu cầu tâm lý theo dõi bắt nguồn từ sâu thẳm và thúc đẩy bạn theo kịp các loại tin tức trong ngày, để rồi trở thành nạn nhân của FOMO (the fear of missing out - nỗi lo sợ bị bỏ lỡ). Ngay cả những người cao tuổi vốn ghét tiết lộ quá nhiều về bản thân, cũng sử dụng Facebook để theo dõi người khác.
 
Càng tiết lộ, giá trị xã hội của bạn càng lớn. Nó có thể giúp một người bạn học cũ tìm thấy bạn và kết nối lại. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng Facebook hiệu quả có thể nâng cao vốn xã hội, cho dù bạn là sinh viên đại học hay là một công dân cao cấp muốn gắn kết với các thành viên trong gia đình hoặc nối lại mối quan hệ với những người bạn đã mất liên lạc từ lâu. Hoạt động tích cực trên các phương tiện truyền thông xã hội có liên quan đến sự gia tăng lòng tự trọng và sức khoẻ chủ quan.
Bạn càng click nhiều trên mạng xã hội, mạng lưới của bạn càng lớn. Khi bạn nhấp chuột để chia sẻ tin bài trên mạng xã hội hoặc thể hiện sự chấp thuận với một sản phẩm hoặc dịch vụ, là bạn đang góp phần tạo ra sự hỗ trợ đồng thời. Các số liệu cho thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ của người dùng, chẳng hạn như dấu tích 5 sao đối với một sản phẩm trên Amazon sẽ khiến nó trở nên thuyết phục, một phần bởi vì chúng đại diện cho sự đồng thuận giữa nhiều ý kiến. Bằng cách này, bạn trở thành một phần của các cộng đồng trực tuyến hình thành ý tưởng, sự kiện, phong trào, câu chuyện và sản phẩm - điều này cuối cùng có thể nâng cao cảm giác bạn thuộc về một tổ chức, cộng đồng.
Dù đó chỉ là một dòng tweet, cập nhật trạng thái hoặc bài đăng chi tiết, bạn đều có thể thể hiện bản thân trên phương tiện truyền thông xã hội. Sự tự biểu hiện này chính nó có thể tăng thêm sức mạnh, mỗi cái "like" hay khuôn mặt cười, đều có thể nâng cao ý nghĩa bản thân.
Các tính năng của mạng xã hội mang đến cho chúng ta quá nhiều hài lòng, và chúng rất quan trọng, khiến không ai có thể dễ dàng từ bỏ mạng xã hội.
Trong khi hầu hết mọi người than thở về các thuật toán khai thác thông tin cá nhân thì thực tế họ đều ngầm hiểu rằng chia sẻ dữ liệu cá nhân là một điều cần thiết giúp nâng cao trải nghiệm. Các thuật toán thu thập thông tin cũng là các thuật toán thúc đẩy bạn xã hội hơn, dựa trên sở thích, hành vi và mạng lưới bạn bè. Nếu bạn không có Facebook, bạn vẫn chưa "xã hội hóa". Facebook là một chất bôi trơn xã hội quan trọng trong thời đại của chúng ta, thường xuyên gợi ý đưa thêm bạn bè vào vòng kết nối và thông báo cho bạn khi bạn bè đã nói hoặc làm điều gì đó để gây hứng thú cho người dùng.
Facebook biết rất rõ điều này. Bạn hãy thử xóa tài khoản Facebook của mình thì biết. Tác giả bài viết trên trang Live Science cho biết khi một trong số bạn bè của ông cố gắng hủy tài khoản Facebook, cô ấy đã nhận ra độ tổn thất lớn như thế nào – tài khoản bị vô hiệu hóa, tất cả những kí ức bay biến, mất liên lạc với hơn 500 người bạn.

Theo VnReview