Hiện tượng thời tiết nồm ẩm, đọng sương trên bề mặt tường, nền nhà, đồ vật, các bề mặt cứng như gỗ, đá, v.v.... Đây là một hiện tượng đặc trưng của phía đông Bắc Bộ, thường xảy ra vào cuối mùa xuân (từ tháng 2 đến tháng 4)khi thời tiết chuyển từ lạnh sang ấm hoặc nóng. Sự chuyển biến thời tiết càng nhanh, càng đột ngột thì nồm xảy ra càng nhanh, càng mạnh.
Do thời tiết rét và khô kéo dài nhiều ngày làm cho nhiệt độ mặt nền, sàn nhà thấp. Sau đó gió nồm mang không khí ẩm và ẩm từ biển thổi vào đất liền, khối không khí này ấm có nhiệt độ ngưng tụ sương tương đối cao, trong lúc nhiệt độ mặt nền, sàn vẫn còn thấp hơn cả nhiệt độ điểm sương của không khí vì chưa bắt kịp với nhiệt độ không khí và hiện tượng đọng nước đã xảy ra. Theo tính toán của các chuyên gia, độ ẩm trong không khí nếu ở mức 65-75% sẽ gây nên hiện tượng nồm ẩm.
Phần lớn các bề mặt đồ dùng trong nhà chúng ta sẽ bị đọng nước do chúng giữ nhiệt kém lại không có khả năng hút ẩm như sàn nhà, đồ điện tử. Điều đó làm cho lớp không khí chứa hơi nước sát bề mặt bị lạnh đi, tới điểm nhiệt độ tại đó hơi nước ngưng tụ thành sương đọng lại thành giọt trên bề mặt.
Tuy nhiên, hiện tượng Nồm thường chỉ xảy ra chủ yếu ở những ngôi nhà thấp tầng, sát đất đặc biệt là tầng 1. Còn ở những ngôi nhà trên cao (tầng ba trở lên…) ít bị ảnh hưởng, sàn lại ít bị ẩm. Đó là do không khí tại những nơi đó ít hơi nước hơn và mức độ chênh lệch nhiệt độ ít hơn.
Để hạn chế tình trạng nồm khiến sàn nhà và nhiều đồ vật ẩm ướt, nên đóng kín cửa hạn chế gió nồm vào nhà, lau nhà bằng giẻ khô, bật điều hòa chế độ khô, sử dụng vác vật liệu hút ẩm, máy hút ẩm không khí...
Theo TH/Người Đưa Tin