Từ ông Vua tới kẻ trắng tay và những hy vọng hồi sinh
Với thế hệ 8X trở về trước,
Nokia là một thương hiệu lớn. Ở thời kỳ hoàng kim, Nokia từng khiến nhiều người tiêu dùng mặc định đã mua điện thoại là phải mua Nokia. Nhưng rồi, khi thời đại smartphone đến với iPhone, Samsung Galaxy và sau đó là một loạt các sản phẩm giá rẻ từ các hãng điện thoại Trung Quốc đã khiến Nokia mất ngôi vương, lún sâu vào khủng hoảng. Năm 2013, trong cơn bĩ cực,
Microsoft đã bỏ ra 7,1 tỷ để mua lại bộ phận sản xuất điện thoại và các dịch vụ của Nokia. Tuy nhiên, dù có Microsoft chống lưng thì Nokia vẫn mất dần trên thị trường khi Hệ điều hành Windows Phone cũng không thể trụ được với IOS và Android.
|
Nokia tưởng chừng đã đi tới hồi kết cùng Windows Phone |
Trước bối cảnh thua lỗ trầm trọng, Microsoft đã “ghiến răng” bán Nokia vào năm 2016 cho HMD Global và FIH Mobile. Trong đó, thương hiệu điện thoại Nokia sẽ do HMD “kinh doanh” tới năm 2024. Từ đó, Nokia đã có nhiều sản phẩm khác nhau để đánh dấu sự trở lại thị trường điện thoại của mình, chủ yếu là các smartphone tầm trung và giá rẻ. Song song với đó, hàng loạt các điện thoại huyền thoại vang bóng một thời của Nokia cũng lần lượt được hồi sinh. Sau một thời gian ngắn, HMD đã rất thành công khi nhắc cho người dùng nhớ Nokia vẫn “chưa chết”, thậm chí là đang chuẩn bị một kế hoạch vĩ đại để mang Nhà vua trở lại.
|
Sau một thời gian ngắn hồi sinh, Nokia là thương hiệu được nhắc tới nhiều nhất ở MWC 2018 |
Phía sau việc tái sinh những huyền thoại gây thương nhớ của Nokia
Chiếc điện thoại huyền thoại đầu tiên được
Nokia tái sinh là 3310, một chiếc điện thoại nồi đồng cối đá đúng nghĩa. Dù không cần tới chuẩn quân đội Mỹ nhưng 3310 có thể rơi tới mức văng cả pin ra ngoài vẫn có thể dùng được. Tiếp sau đó là 8110, chiếc điện thoại từng xuất hiện ở dòng phim Ma trận nổi tiếng hay Nokia 2720 Flip, dòng điện thoại nắp gập của hiếm của Nokia. Gần đây là chiếc Nokia 5310 mà nhiều người quen gọi là XpressMusic. Tất nhiên khi hồi sinh lại, HMD cũng có những thay đổi. Ví dụ 8110 có 4G và màu vàng chuối. Nokia 2720 Flip cũng có 4G, còn Nokia 5310 cũng được “gọt” lại để sexy hơn. Giá của các dòng điện thoại này cũng khá rẻ, chỉ ở mức từ 1-2 triệu đồng, thậm chí thấp hơn.
|
Bên cạnh chất cũ, dòng huyền thoại tái sinh cũng có nhiều cái mới để hợp thời |
Xét về cơ hội cạnh tranh, các dòng huyền thoại sẽ rất khó có thể giành được nhiều thị phần ở phân khúc này khi các đối thủ cùng tầm giá đều là các dòng smartphone. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những nhóm khách hàng nhất định chọn mua các sản phẩm huyền thoại này, đơn giản vì “hoài cổ” và quá rẻ.
Trung bình mỗi năm, Nokia đang tái sinh lại 1 huyền thoại bên cạnh nhiệm vụ chính là tung ra các sản phẩm mới, chủ yếu là các dòng smartphone tầm trung, giá rẻ. Vì thế, các dòng điện thoại huyền thoại này không phải là quân bài chủ lực để giúp Nokia giành thị phần mà đơn giản là chỉ giúp Nokia giành lại sự thương nhớ, tình cảm của người dùng với một thương hiệu đã gắn bó nhiều kỷ niệm. Thay vì phải bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ USD để PR cho các sản phẩm smartphone Nokia có phần xa lạ với nhiều người dùng, việc hồi sinh lại các dòng huyền thoại cũ giúp Nokia lập tức được nhiều người biết đến với những ký ức vui vẻ của ngày xưa.
Ngay cả việc chọn phân khúc giá rẻ và tầm trung để trở lại của Nokia cũng là một chiến lược khôn ngoan bởi ở mức giá này, Nokia dễ được người dùng lựa chọn so với các thương hiệu giá rẻ khác. Nếu chọn trực tiếp đối đầu với Apple hay Samsung ở các sản phẩm cao cấp, thì cơ hội thành công là rất thấp. Vì thế, Nokia cũng cần tới sự trở lại của các huyền thoại ở mức giá siêu rẻ như một sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa các điện thoại nồi đồng cối đá với các smartphone giá rẻ.
Nokia chắc chắn sẽ còn tái sinh thêm các huyền thoại khác để luôn nhắc với đối thủ và người dùng rằng Nokia vẫn đang tiếp tục hành trình trở lại của một nhà Vua.
Theo Nghe Nhìn Việt Nam