Đại dương chiếm hơn 70% bề mặt hành tinh. Nhiều loài cá lẩn khuất dưới đáy đại dương trông giống như những sinh vật ngoài hành tinh đáng sợ bước ra từ các bộ phim kinh dị. Chúng có những chiếc răng khổng lồ, thân phát sáng trong bóng tối và mắt lồi.
Vẻ ngoài kỳ quái của cá đáy biển là do môi trường sống khắc nghiệt của chúng. Phần lớn đáy đại dương nằm ở độ sâu từ 200m trở xuống nên có ít ánh sáng, áp suất lớn, ít thức ăn và lạnh hơn hẳn phần còn lại của đại dương (nhiệt độ trung bình khoảng 4°C, gần điểm đóng băng).
Vì thế, các loài sinh vật nơi đây phải có những đặc điểm thích nghi đặc thù để có thể tồn tại. Do ít có cơ hội tìm được thức ăn, cá đáy biển đã dần hình thành những thuộc tính giúp chúng bắt mồi, trong đó có những đặc điểm đáng sợ như hàm răng khổng lồ.
Ví dụ, cá rắn viper Sloane (Chauliodus sloani) có răng nanh to đến nỗi không đóng được miệng. Những chiếc răng nhọn hoắt đó còn trong suốt, nên con mồi không thể thấy vũ khí của loài cá này cho đến khi đã quá muộn. Những loài cá đáy biển khác, như cá chình bồ nông (Eurypharynx pelecanoides), có thể há miệng to, giúp nó bắt và nuốt những loài cá lớn gần bằng thân nó.
Cá rắn viper Sloane có răng to, trong và cơ quan phát sáng dọc bụng. Các đặc điểm này giúp nó có thể sống sót dưới đáy biển. Ảnh: DeAgostini
Một số loài săn mồi dưới đáy biển có thứ vũ khí bí mật giúp thu hút con mồi: phát quang sinh học. Ví dụ,cá cần câu đáy biển, từng xuất hiện trong bộ phim hoạt hình “Đi tìm Nemo” năm 2003, dụ mồi bằng một điểm sáng ở cuối cái cần gắn trên đầu chúng. Điểm sáng này thu hút con mồi một phần vì chúng nghĩ rằng mình chuẩn bị đớp một sinh vật nhỏ phát sáng.
Cá cần câu (thuộc chi Melanocetus) sử dụng phát quang sinh học để thu hút con mồi dưới biển sâu. Ảnh: MBARI
Song, dụ mồi không phải là công dụng duy nhất của phát quang sinh học. Theo một nghiên cứu năm 2017 của Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey, Mỹ, đặc điểm này có ở 75% các loài cá đáy biển. Cá rìu biển lớn (Argyropelecus gigas) - một loài cá đáy biển khác - có thể chỉnh độ sáng tùy theo môi trường, và nó dùng đặc điểm này để “tàng hình” trước kẻ thù.
Theo Phương Thảo/Khoa học & Phát triển