Theo Business Insider, Bill Gates đã từng nói với tờ Mirror hồi tháng 4/2017 rằng: "Bạn phải luôn quan sát để xem những sản phẩm công nghệ được sử dụng sao cho hợp lý - ví dụ như làm bài tập về nhà hoặc kết nối với bạn bè - và liệu chúng có trở nên quá thừa thãi hay không".
Tỷ phú Bill Gates có 3 con, hiện ở các độ tuổi 15, 18 và 21; tất cả đều bị cấm sử dụng điện thoại di động cho tới khi đủ 14 tuổi, không được sử dụng điện thoại tại bàn ăn tối, và chỉ được sử dụng cho tới một khoảng thời gian nhất định trước khi đi ngủ.
|
Tỷ phú Bill Gates và con. |
Gates cho biết con ông thường xuyên phàn nàn rằng những đứa trẻ khác được sử dụng điện thoại sớm hơn nhiều, nhưng điều đó cũng chẳng thay đổi được "chính sách" của ông bố khó tính. Trong một cuộc phỏng vấn khác, Bill Gates nói rằng ông không kiểm soát mật khẩu Facebook của con mình, nhưng nhấn mạnh sự an toàn khi online là "một vấn đề cực kỳ đau đầu đối với các bậc phụ huynh ngày nay".
Sử dụng smartphone quá đà - hay "nghiện", theo một số chuyên gia tâm thần học - ngày càng trở thành một mối bận tâm lớn đối với các bậc cha mẹ, các nhà học giả và thậm chí là cả các nhân viên ở Thung lũng Silicon. Bill Gates có nhiều "đồng minh" trong việc thực hiện chính sách khắt khe đối với việc con cái mình sử dụng smartphone, một trong số đó là một người bạn và cũng là đối thủ: Steve Jobs, cựu CEO của Apple và là nhà phát minh ra iPad vào năm 2011. Steve Jobs cũng không cho phép con cái sử dụng chính sản phẩm của bố mình tạo ra khi ở nhà.
"Chúng tôi giới hạn việc con em mình sử dụng công nghệ ở nhà" - Jobs trả lời tờ New York Times một thời gian ngắn sau khi iPad được tung ra.
Liên quan chính sách về sử dụng các sản phẩm công nghệ đối với con cái, nhà giáo dục Joe Clement và Matt Miles - các đồng tác giả của cuốn sách "Screen Schooled: Two Veteran Teachers Expose How Technology Overuse is Making Our Kids Dumber" (tạm dịch "Giáo dục cách sử dụng đồ điện tử: hai giáo viên kỳ cựu vạch trần việc sử dụng công nghệ quá đều khiến con em chúng ta trì trệ hơn") - cho biết:
"Điều gì mà các nhà lãnh đạo công nghệ giàu có biết rõ những điều về sản phẩm của chính họ, trong khi người tiêu dùng không hề biết?"
Câu trả lời là chứng nghiện sức mạnh của công nghệ điện tử. Trong nhiều tháng vừa qua, nhiều lãnh đạo tại Thung lũng Silicon đã lên án sức mạnh cám dỗ người dùng quá lớn của Apple, Facebook, Google và Twitter thông qua các sản phẩm và nền tảng của mình.
"Về cơ bản, nó đã thay đổi mối quan hệ của con người với xã hội và giữa con người với nhau" - Nhà sáng lập Napster, đồng thời là cựu Chủ tịch Facebook Sean Parker phát biểu hồi tháng 11. "Nó tác động lên năng suất lao động theo nhiều cách kỳ quái".
Ngoài Sean Park, những người nổi tiếng khác cũng lên tiếng chống lại các ông trùm ở Thung lũng Silicon còn có hai cổ đông lớn nhất của Apple - những người nắm giữ đến 2 tỷ USD cổ phiếu của công ty. Họ đã viết một bức thư ngỏ bày tỏ mối quan ngại về các sản phẩm Apple đã tác động lên não bộ của trẻ em như thế nào.
Hai cổ đông này là Jana Partners LLC và Hệ thống Hưu trí của Giáo viên bang California đã viết rằng: "Chúng tôi đã xem qua các bằng chứng, và chúng tôi tin rằng rõ ràng Apple phải cung cấp cho các bậc phụ huynh nhiều lựa chọn và công cụ hơn nữa để giúp họ đảm bảo con cái mình sử dụng các sản phẩm của Apple một cách hợp lý".
Theo Minh TT/VnReview