Sông băng hình thành khi những bông tuyết rơi chồng lên nhau và nén chặt lại. Các sông băng bao phủ khoảng 10% bề mặt Trái Đất và tích trữ tới 75% lượng nước ngọt của toàn hành tinh. Các sông băng di chuyển về phía trước khi băng và tuyết tích tụ, rồi chúng lại lùi về phía sau khi băng tan.
Ở cuối sông băng, hay còn gọi là mũi sông, các khối băng vỡ ra và rơi xuống nước. Hiện tượng này được gọi là băng lở. Lúc này, các khối băng lở ra sẽ trở thành băng trôi. Kích thước của chúng dao động từ khoảng 2 m (6,5 feet) chiều dài đến những khối băng khổng lồ to bằng cả một quốc gia nhỏ.
Băng trôi là những khối băng lớn có ở cả Bắc Cực lẫn Nam Cực. Chúng là những khối băng khổng lồ di động được hình thành khi các tảng băng vỡ ra khỏi sông băng. Các tảng băng trôi thay đổi hình dạng và thậm chí cả màu sắc. Chúng là bãi săn mồi của nhiều sinh vật biển.
Các tảng băng trôi hình thành từ nước ngọt đóng băng, tuy nhiên chúng lại trôi nổi trên mặt nước mặn của đại dương. Chúng thường tồn tại từ ba đến sáu năm. Chúng trôi lênh đênh theo các con sóng và có thể đâm vào nhau hoặc dạt vào đất liền.
Những cơn sóng sẽ rửa trôi (làm xói mòn) các cạnh của tảng băng trôi, tạo ra những mái vòm và hang động ngoạn mục trong băng. Khi cọ vào đáy biển hoặc bờ biển, các tảng băng cũng có thể được tạc thành những hình dạng khác nhau. Những mảng băng nhỏ vỡ ra từ tảng băng trôi được gọi là núi băng nhỏ - chúng có thể gây nguy hiểm cho những con tàu đi ngang qua.
|
Một tảng băng trôi có sọc do trầm tích mà tảng băng nhận được. Ảnh: VTC.
|
Các tảng băng trôi còn có cả những cộng đồng nhỏ của các sinh vật sống, còn gọi là hệ sinh thái, của riêng chúng. Các tảng băng này thu hút các loại tảo, nhuyễn thể tí hon và cá. Các loài chim biển, chẳng hạn như hải âu mặt trắng và chim cánh cụt, sẽ săn và ăn những sinh vật biển này. Các sinh vật biển tí hon gọi là loài nhuyễn thể (krill) chính là bữa ăn ngon lành cho chim cánh cụt sống trên tảng băng.
Khi trôi vào vùng nước ấm hơn hoặc được bao quanh bởi không khí ấm, các tảng băng trôi bắt đầu tan chảy. Khi băng tan thành những vũng nước, rạn nứt và nở rộng ra, tảng băng trôi sẽ dần dần tan biến. Chỉ 1/8 tảng băng trôi là nổi trên bề mặt đại dương. Phần lớn của nó chìm dưới nước.
Các tảng băng trôi thường có màu trắng hoặc xanh lam, nhưng tảo sống trên băng có thể tạo ra thêm nhiều màu sắc khác nhau, bao gồm cả màu xanh lá cây. Một số tảng băng chứa nhiều sắt có nguồn gốc từ bụi đá, khiến cho chúng có màu vàng hoặc ngả đỏ.
Một số tảng băng có sọc. Những đường sọc sẫm màu này có nguồn gốc từ những mẩu đất và trầm tích mà tảng băng nhận được khi nó tách khỏi sông băng.
Các tảng băng trôi có thể có đủ loại hình dạng khác nhau, trong đó có hình nêm, hình vòm hoặc chóp nhọn trên đỉnh. Những tảng có đỉnh bằng phẳng và phần rìa dốc đứng được gọi là các phiến băng trôi.
Theo Zing