Theo Hội đồng Vàng Thế giới, hơn 174.000 tấn vàng đã được khai thác từ trái đất kể từ thời kỳ đầu của nền văn minh. Năm 2011, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ ước tính có 51.000 tấn vàng vẫn đang được dự trữ trên hành tinh của chúng ta.
Là kim loại đầu tiên được con người phát hiện ra, vàng chiếm một vị trí trung tâm trong lịch sử loài người. Ở thời điểm hiện tại, vàng vẫn là một trong những yếu tố chi phối nền kinh tế thế giới cũng như cuộc sống của mỗi cá nhân.
Việc khai thác vàng là một trong những chủ đề được quan tâm khi trữ lượng của thứ kim loại này đang dần giảm sút. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu cách đây gần một thập kỷ, các nhà khoa học đã tìm ra vàng được tích trữ trong cây. Danh tính của loài cây ấy càng khiến người ta bất ngờ hơn.
TÌM THẤY VÀNG TRONG LÁ CÂY
Các nhà nghiên cứu Australia đã phát hiện ra rằng các hạt vàng cực nhỏ từ các mỏ quặng dưới lòng đất có trong lá cây bạch đàn. Hầu hết các loài thực vật bám rễ sâu vào Trái đất, hút các chất dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết cho sự sống. Do đó, nhiều giả thuyết cho rằng trong quá trình đó, cây đã vô tình "hút" được vàng.
Rễ cây bạch đàn có thể đào sâu hơn 40 mét dưới lòng đất. Loài cây này có thể cắm rễ sâu xuống đất để tìm kiếm nước ở những vùng khô hạn, thậm chí phá vỡ thành những vùng giàu vàng, nơi chúng hấp thụ các hạt kim loại cực nhỏ khi lấy nước và chất dinh dưỡng.
Báo cáo của tạp chí Nature Communications, do một nhóm do Melvyn Lintern đứng đầu thuộc cơ quan khoa học Đánh giá Tài nguyên và Khoa học Trái đất CSIRO của Úc dẫn đầu, đã đưa ra lời giải đáp cho hiện tượng này. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn liệu cây cối có thể thực sự hấp thụ kim loại quý từ trầm tích dưới lòng đất hay chỉ đơn giản là gió thổi bụi vàng ở đó từ các địa điểm khác.
KIỂM CHỨNG SỰ THẬT
Để kiểm chứng liệu cây bạch đàn có thể "hút" vàng hay không, các nhà nghiên cứu đã điều tra lá, cành và vỏ của cây bạch đàn cao tới 10 mét từ hai địa điểm ở Úc - một ở phía tây, một ở phía nam. Quá trình khoan thăm dò trước đây cho thấy những địa điểm này có vàng bị chôn vùi dưới lòng đất. Nơi đây không bị xáo trộn bởi hoạt động khai thác vàng nên có thể loại trừ khả năng bụi vàng còn lưu lại trên lá.
Họ cũng trồng cây bạch đàn trong nhà kính với bầu đất pha tạp chất vàng, cũng như trong bầu đất bình thường không có vàng để đối chiếu.
Phân tích bằng tia X cho thấy các hạt vàng rộng tới 8 micron trong các tế bào từ cây cối, hoặc mỏng hơn khoảng 10 lần so với sợi tóc trung bình của con người. Các mẫu thực địa và thí nghiệm trong nhà kính cho thấy những hạt vàng này - tồn tại ở nồng độ không gây hại cho cây - được rễ hấp thụ và vận chuyển đến các bộ phận của nó. Trong đó lá cây nơi có nồng độ vàng cao nhất.
Nồng độ trung bình của vàng trong lá chỉ khoảng 46 phần tỷ, tương đương với 0,000005% trọng lượng của mỗi lá.
Tác giả chính của nghiên cứu, Melvyn Lintern, một nhà địa hóa học tại Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung ở Úc, nói: "Chúng tôi rất ngạc nhiên về khả năng mang vàng từ [chiều cao] tương đương của một tòa nhà 10 tầng ở cây bạch đàn".
Các nhà nghiên cứu không đề xuất khai thác những cây bạch đàn này để lấy vàng, Lintern cảnh báo: "Số lượng vàng trong cây là cực kỳ ít. Ước tính phải cần đến 500 cây bạch đàn mới có đủ vàng để làm một chiếc nhẫn".
Dẫu vậy, phát hiện này vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao tiềm năng của nó. Thay vì trở thành công cụ khai thác vàng, cây bạch đàn có thể giúp những người khai thác xác định vị trí có thể nằm sâu trong mỏ vàng và do đó tránh lãng phí thời gian, tiền bạc và nguồn lực để tìm kiếm kim loại quý trên những vùng đất rộng lớn, Lintern cho biết.
SỰ THẬT ÍT AI BIẾT VỀ CÂY BẠCH ĐÀN
Không chỉ có có tác dụng là "cây hút vàng", bạch đàn còn là loài cây có nhiều đặc điểm kỳ lạ. Dưới đây là những sự thật thú vị về loài cây quen thuộc này:
Hoa bạch đàn không có cánh
Nhìn từ xa, những bông hoa trên hầu hết các loài cây bạch đàn trông giống như những chùm bông hoa bồ công anh sắp kết hạt. Đến gần hơn, bạn sẽ thấy những bông hoa này không có cánh hoa. Toàn bộ "hoa" thực chất là tập hợp hàng trăm nhị hoa mọc ra từ một chồi giống hình nón ở giữa.
Cây bạch đàn cần sử dụng càng nhiều phấn hoa càng tốt. Chúng có ít loài thụ phấn tự nhiên vì nồng độ cineole cao. Thông thường, loài cây này tự thụ phấn.
Cineole: Thành phần bí mật
Tinh dầu bạch đàn đã được sử dụng trong y học bản địa Úc như một chất kháng khuẩn và chống nấm trong nhiều thế kỷ. Trong y học của Ấn Độ, nó thường được sử dụng để điều trị các bệnh về đường hô hấp. Ở Anh thế kỷ 17, tinh dầu bạch đàn được sử dụng để khử trùng bệnh viện.
Vì trong lá và vỏ của cây có chứa hàm lượng cineole cao. Cineole là một hợp chất hữu cơ lỏng, không màu. Đôi khi nó còn được gọi là eucalyptol vì nó có rất nhiều trong cây bạch đàn và cây bụi. Hương thơm của khuynh diệp chủ yếu là mùi thơm của cineole.
Chỉ có gấu túi koala, thú có túi đuôi vòng và một số loài côn trùng mới có thể ăn lá và vỏ cây bạch đàn. Không một sinh vật nào khác, kể cả con người, có thể chịu được lượng cineole cao. Đó là lý do tại sao nó trở thành một loại thuốc chống côn trùng hiệu quả và tự nhiên.
Nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh các đặc tính chống vi khuẩn, khử trùng và chống nấm của cineole. Tinh dầu khuynh diệp đặc biệt có hiệu quả trong điều trị vết thương tại chỗ, chăm sóc da và khử trùng.
Cây bạch đàn góp phần giảm thiểu tình trạng gia tăng bệnh sốt rét
Vì lá cây có tinh dầu giúp đuổi côn trùng nên bạch đàn được trồng ở những khu vực có tỷ lệ sốt rét cao.
Sốt rét là căn bệnh có ở mọi lục địa. Ký sinh trùng sốt rét sống trong muỗi cái đốt người và được truyền sang người khi muỗi đốt. Ở những khu vực có số lượng muỗi mang bệnh sốt rét cao trên thế giới, người ta đã áp dụng cách trồng cây bạch đàn để góp phần giảm thiểu tình trạng này.
Cây bạch đàn có thể giúp quản lý các vấn đề về nước thải
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu để với mục đích sử dụng bạch đàn để giảm thiểu vấn đề nước thải. Ở một số nơi trên thế giới, nước thải mang theo kim loại nặng, vi khuẩn và các chất độc khác vào nước ngầm là một mối quan tâm đối với nông nghiệp.
Các kỹ sư môi trường và các chuyên gia nông lâm nghiệp trồng cây bạch đàn ở những vị trí bị ô nhiễm. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy cây bạch đàn hấp thụ và lọc nhiều yếu tố độc hại có trong nước sử dụng cho cây trồng.
Mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm để biết được sự cân bằng phù hợp của những cây này với đất nông nghiệp, nhưng theo giới chuyên môn, đây là giải pháp đầy triển vọng và có khả năng thực thi.
Theo Tổ Quốc