Theo Deutsche Welle ngày 4/5, hôm Chủ nhật (3/5), Tổng thống Mỹ Donald Trump dự đoán một cách đầy tự tin: “Chúng tôi sẽ có vaccine virus Corona mới trước cuối năm nay”, “Chúng tôi đang thúc đẩy vấn đề này” và nói ông nghĩ rằng nhiều công ty “đã tới rất gần mục tiêu”. Trước đó, các chuyên gia y tế đều cho rằng phải mất ít nhất một năm để phát triển vaccine.
Hiện tại, chính phủ Donald Trump đang thực thi một kế hoạch nghiên cứu phát triển vaccine có tên “Operation Warp Speed”. Ông Anthony Fauci, chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ, tuần trước nói với CNN rằng vaccine có thể ra mắt vào tháng 1 năm sau, nhưng ông cũng nói, “Tôi không thể đảm bảo điều này”.
Tại Trung Quốc, 2 loại vaccine virus Corona mới hiện đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II. Ngày 24/4, China National Biotec Group Company (CNBG) tuyên bố rằng vaccine virus corona mới bất hoạt đã chính thức bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ hai, chỉ cách thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I có 12 ngày. Trước đó, ngày 12/4, loại vaccine virus corona mới vectơ Adenovirus được phát triển bởi Viện nghiên cứu Y học Quân sự thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu lâm sàng giai đoạn II.
Nhiều nhóm nghiên cứu vaccine đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (Ảnh: Deutsche Welle).
|
|
Không thể đoán trước ai sẽ thành công
Trên phạm vi toàn cầu, hiện có khoảng một trăm nhóm nghiên cứu đang nghiên cứu phát triển vaccine, trong đó hơn một chục đã vào hoặc sắp bước vào giai đoạn tiêm chủng lâm sàng. Mặc dù điều này nghe có vẻ là một con số lớn, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng điều này chỉ làm tăng xác suất tiến hành thử nghiệm. Cuối cùng, sau tất cả, sẽ chỉ một số ít có thể vượt qua những khó khăn và tiếp tục thử nghiệm.
Tiến sĩ Andrew Pollard, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vaccine tại Đại học Oxford, nói với hãng tin Associated Press (AP) rằng có nhiều nhóm nghiên cứu thì càng có lợi cho cộng đồng. Ông nói: “Chúng tôi không cạnh tranh với nhau, mà cạnh tranh với chủng virus toàn cầu, càng nhiều người tham gia vào cuộc đua này càng tốt”.
Thực tế là: hiện nay không thể dự đoán liệu sẽ có được vaccine an toàn hay không? cũng không thể nói, ai là người cầm trịch trong việc thử nghiệm và loại vaccine nào có khả năng thành công nhất.
Giống như chuyên gia y tế Mỹ Anthony Fauci nói: “Phải thử nghiệm thật nhiều, như thế mới có cơ hội có được loại vaccine an toàn và hiệu quả”.
Nhiều quốc gia đã tăng tốc về đích
Vào tháng 3, một số tình nguyện viên đã được tiêm vaccine vào người để kiểm tra tác dụng phụ. Hiện nay, Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu đều đang tiến hành các thử nghiệm quy mô khá lớn để sàng lọc các ứng cử viên vaccine khác nhau.
Bước tiếp theo là quay trở lại cuộc sống thực và tiến hành thử nghiệm quy mô lớn hơn trong quần thể người ở vùng dịch.
Associated Press đưa tin, theo các phương pháp thống kê khác nhau, hiện đang có từ 8 đến 11 loại vaccine ứng cử viên ở Trung Quốc, Mỹ, Vương quốc Anh và Đức đang ở trong giai đoạn thử nghiệm thời kỳ đầu. Nước Đức đã phê duyệt dự án thử nghiệm tiêm chủng lâm sàng vaccine virus corona mới đầu tiên vào tuần trước. Công ty Biontech sẽ thử nghiệm bốn loại vaccine cùng một lúc.
Ở một số quốc gia khác, nhiều điểm thí nghiệm cũng đang được nghiên cứu phát triển. Từ tháng 5 đến tháng 7, sẽ có thêm nhiều vaccine ứng cử viên bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Một tin tốt đẹp khác là, hiện tại không tồn tại vấn đề thiếu tình nguyện viên.
|
Một số nhóm nghiên cứu ở Mỹ, Trung Quốc, Đức đã bắt đầu thử nghiệm vaccine trên cơ thể những người tình nguyện (Ảnh: AP). |
Vaccine sẽ hoạt động như thế nào?
Bài báo của hãng Associated Press chỉ ra rằng, hầu hết các loại vaccine hiện đang được phát triển được thiết kế để huấn luyện hệ thống miễn dịch và xác định một phần của virus corona mới - chủ yếu là “spikeprotein” (protein tăng đột biến) trên màng tế bào của virus.
Một cách trong đó là sử dụng virus vô hại để mang “spikeprotein” vào cơ thể con người. Loại vaccine này nghiên cứu tương đối dễ dàng, nhưng xác định loại virus nào là “phu mang vác spikeprotein” tốt nhất mới là vấn đề mấu chốt.
Một phương pháp khác là đưa vào một đoạn thông tin gene của virus corona mới, khiến cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch với spikeprotein. Đây là một công nghệ mới chưa được nghiệm chứng, nhưng sản xuất nhanh hơn. Ví dụ, vaccine được phát triển bởi Biontech chính là một loại vaccine gene.
Ngoài ra, cũng có một số phương pháp khác đang được thử nghiệm. Ví dụ, vaccine làm từ hạt nano spikeprotein, hoặc thậm chí vaccine dưới dạng thuốc xịt mũi thay vì cách tiêm chủng truyền thống.
Trong một cuộc phỏng vấn với các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc, ông Trần Chí Vĩ (Chen Zhiwei), một chuyên gia về vi sinh học tại Đại học Hồng Kông, nói rằng các loại vaccine ứng cử viên hiện tại có thể được khái quát thành hai loại lớn. Một loại là vaccine mới không giống như các loại vaccine được phê chuẩn trước đây, chủ yếu đề cập đến vaccine axit nucleic, được chia thành vaccine RNA (axit ribonucleic) và vaccine DNA (axit deoxyribonucleic). Loại vaccine này đưa trực tiếp các đoạn mã RNA và DNA vào tế bào trong cơ thể người. Loại thứ hai là các loại vaccine truyền thống đã được sử dụng rộng rãi trước đây, bao gồm vaccine virus bất hoạt, vaccine đơn vị biến đổi gene và vaccine vec-tơ tái tổ hợp.
Bài viết của AP cho biết, Trung Quốc hiện đã chọn 5 con đường kỹ thuật để thúc đẩy phát triển vaccine virus corona mới, bao gồm hầu hết các loại vaccine virus corona mới chủ yếu trên toàn cầu.
|
Trung Quốc tuyên bố đã đạt được thành quả khả quan trong việc nghiên cứu phát triển vaccine chống virus Corona mới (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Những khó khăn và thách thức
Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu vaccine virus corona mới đếu theo đuổi sự an toàn và khả năng chịu đựng của con người, xem liệu máu của tình nguyện viên có phản ứng miễn dịch hay không. Một số đã nhanh chóng bước vào thử nghiệm quy mô lớn hơn.
Có một vấn đề gay cấn ở đây: nếu dịch bệnh giảm nhẹ tại nơi nghiên cứu, hoặc các lệnh cấm được thực hiện, triển vọng của thử nghiệm sẽ bị ảnh hưởng.
Nếu số lượng người nhiễm bệnh quá ít, các nhà khoa học có thể không xác định được liệu vaccine đã có tác dụng hay do các biện pháp cấm. Lấy nghiên cứu của Đại học Oxford làm ví dụ, thử nghiệm hiện tại của họ có 1.000 người tham gia và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo với 5.000 tình nguyện viên có thể phải được chuyển sang tiến hành ở quốc gia khác.
Tại Mỹ, một số nghị sĩ đã đề xuất một thí nghiệm gây tranh cãi hơn: tuyển mộ tình nguyện viên khỏe mạnh tự nguyện chấp nhận nhiễm virus corona mới để chứng minh rằng vaccine có thể bảo vệ họ. Tuy nhiên, trước thực tế một số người trưởng thành khỏe mạnh cũng đã chết do nhiễm virus, các bác sĩ hiện vẫn chưa thể hiểu được rốt cục vì sao. Kiểu “nghiên cứu đầy thách thức” như thế tồn tại vấn đề nghiêm trọng về an toàn và đạo đức.
Theo Viettimes