Nhưng cũng vì chúng ăn quá tạp mà đôi khi các nhà khoa học cũng tự hỏi rằng khẩu phần ăn của chúng thực sự có những gì. Cùng chung câu hỏi, mới đây các chuyên gia đã quyết định thử xét nghiệm một vài... bãi nôn của cá mập hổ (tiger shark - Galeocerdo cuvier).
|
Cá mập là loài ăn tạp.
|
Họ phân tích ADN trong đó, để rồi phát hiện ra những sinh vật đầy bất ngờ đã từng "qua răng" của chúng. Đó là chim, nhưng không phải chim biển mà là những con chim có xuất xứ từ đất liền như bồ câu, chim sẻ và chim chiền chiện.
"Cá mập hổ là một lũ cơ hội. Chúng sẽ tìm những bữa ăn dễ dàng thôi, nhưng thật ngạc nhiên khi thấy có cả các loài biết hót trong dạ dày của chúng. Tôi đã tưởng chỉ có chim biển," - trích lời Kevin Feldheim, nhà sinh học đứng đầu nghiên cứu.
"Đây thực sự là một dự án hay ho nhất mà tôi từng làm, liên quan đến xét nghiệm ADN."
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2010, khi người ta bắt được một con cá mập hổ cỡ nhỏ tại Mississippi-Alabama. Con cá mập khi đó đã "khạc" ra một con chim sâu trong đất liền - điều này gây ngỡ ngàng cho giới khoa học từ ĐH Bang Mississippi.
Họ quyết định điều tra sâu hơn. Liệu việc ăn chim trên cạn có phổ biến không? Muốn trả lời câu hỏi này chỉ có cách xét nghiệm những gì trong bụng của chúng, và đó cũng là những gì họ đã làm.
Năm 2010 - 2018, họ rong ruổi trên biển. Họ câu cá mập lên thuyền, đưa ống thông vào dạ dày để chúng... nôn ra. Trong giai đoạn này, họ đã khiến ít nhất 105 con cá mập hổ (cỡ nhỏ thôi) phải nôn bằng sạch những gì vừa ăn được.
Dù có hơi quá đáng nhưng... tất cả vì khoa học mà.
|
Trong bụng cá mập, đều là chim đến từ đất liền.
|
Kết quả có 41 bãi nôn có dấu hiệu của chim, và chúng xuất hiện đều đặn qua từng năm. Khi gửi ADN chim đến bảo tàng Thực địa Chicago, các chuyên gia nhận được đáp án rất bất ngờ.
"Không có dấu hiệu của hải âu, bồ nông... nói chung là chim biển. Tất cả đều là chim đến từ đất liền" - Marcus Drymon từ ĐH Bang Mississippi cho biết. Họ xác định được tổng cộng 11 loài, trong đó có 8 loài biết hót, 2 loài gần biển, và 1 loài chim thủy sinh nước ngọt. Tuyệt nhiên không có bất kỳ chim biển nào trong đó.
Làm sao cá mập lại ăn được chim từ đất liền?
Mọi thứ đều có lý do. Theo Drymon, chìa khóa của câu chuyện nằm ở thời điểm các loài chim xuất hiện trong dạ dày cá mập.
Các mẫu vật được thu thập theo từng tháng, và lũ chim chỉ xuất hiện vào thời điểm chúng bắt đầu di cư. Bất kỳ cá thể nào đuối sức rơi xuống biển cũng sẽ trở thành mồi cho cá.
"Cá mập hổ sẽ xử lý gọn lũ chim khi chứng không thể bay được nữa," - Feldheim cho biết. "Lũ chim đã kiệt sức vì di cư. Chúng sẽ trở nên quá mệt mỏi rồi rơi xuống, hoặc cả đàn sẽ gặp họa nếu không may có bão xảy ra."
Chim biển thì khác. Chúng đã quá quen với gió và các điều kiện thông thường ở đại dương, nên chúng có khả năng xử lý tình huống tốt hơn và giảm được nguy cơ rơi xuống nước.
Nghiên cứu có nhiều ý nghĩa hơn bạn tưởng
Việc nghiên cứu bãi nôn của một con cá mập nghe thì rất rảnh, nhưng thực ra ý nghĩa của nó lại quan trọng. Nó cho thấy cá mập có thể phụ thuộc vào một nguồn thực phẩm đến từ đất liền, trong khi việc di cư của các loài chim thì đang chịu ảnh hưởng từ quá trình biến đổi khí hậu.
Mọi thay đổi nhỏ đều có thể dẫn đến tác động tiêu cực, mà con người đã thay đổi Trái đất quá nhiều. Chẳng trách, cá mập ngày càng đến gần bờ vực tuyệt chủng hơn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ecology.
Theo Helino