Theo Live Science, các nhà khoa học SETI đã mở khóa thành công bí mật của các tín hiệu từ "ngọn hải đăng vũ trụ" được cung cấp năng lượng bởi các ngôi sao đã chết khi phân tích dữ liệu mà đài thiên văn Arecibo đã thu thập được trước khi sụp đổ.
Arecibo là một trong những đài thiên văn vô tuyến mạnh nhất thế giới, nổi tiếng cùng sứ mệnh gửi thông điệp đến cụm sao cầu M13 với hy vọng người ngoài hành tinh sẽ bắt được.
Thế nhưng ngày 1-12-2020, đĩa chính rộng 305 m của Arecibo vỡ tan do sự cố đứt cáp, chấm dứt gần 4 thập kỷ phục vụ.
Rà soát kho dữ liệu khổng lồ mà chiến binh thám sát bầu trời này để lại, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi TS Sofia Sheikh từ Viện SETI đã quan tâm đến cách các tín hiệu từ sao xung bị bóp méo khi chúng di chuyển qua không gian.
Sao xung là một loại sao neutron, tức tàn dư của những ngôi sao khổng lồ đã chết. So với các sao neutron khác, sao xung mạnh mẽ và kỳ dị hơn bởi quay cực nhanh - có thể lên tới 700 lần mỗi giây - và liên tục phát ra các chùm bức xạ khốc liệt quét qua vũ trụ khi chúng quay.
Arecibo đã bắt được nhiều tín hiệu "từ cõi chết" như thế trước khi sụp đổ. Đi kèm theo đó là mối hoài nghi lớn: Dường như có cái gì đó can thiệp vào những tín hiệu này trên đường chúng đi đến Trái Đất.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét cụ thể 23 sao xung, bao gồm 6 sao chưa từng được nghiên cứu trước đây.
Họ đã tìm ra thứ can thiệp vào tín hiệu này, một phát hiện rất có giá trị với thiên văn học, mặc dù không phải do người ngoài hành tinh như mong đợi.
Đó là thứ mà họ gọi là "sự nhấp nháy liên sao nhiễu xạ" (DISS), gây ra bởi các hạt tích điện trong môi trường giữa các vì sao, tạo ra sự biến dạng trong tín hiệu vô tuyến truyền từ sao xung đến đài thiên văn Trái Đất.
Nghiên cứu cũng cho thấy băng thông của tín hiệu sao xung rộng hơn so với các mô hình hiện tại, cho thấy để tiếp tục nghiên cứu vũ trụ chuẩn xác, nhân loại cần điều chỉnh một số mô hình vũ trụ học đang được chấp nhận rộng rãi.
Ngoài ra, các cấu trúc thiên hà như các nhánh xoắn ốc của thiên hà Milky Way (Ngân Hà) cũng góp phần vào DISS.
Việc hiểu được cách thức hoạt động của tín hiệu từ sao xung rất quan trọng vì khi xem xét trong các mảng lớn, các tín hiệu tuần hoàn cực kỳ chính xác từ sao xung có thể được sử dụng như một cơ chế tính thời gian.
Ví dụ, cơ chế này được dùng làm nền tảng để đo những biến dạng nhỏ trong không - thời gian do sóng hấp dẫn gây ra.
"Nhiều năm sau khi Arecibo sụp đổ, dữ liệu của nó vẫn tiếp tục mở khóa thông tin quan trọng có thể thúc đẩy sự hiểu biết của chúng ta về thiên hà và tăng cường khả năng nghiên cứu các hiện tượng như sóng hấp dẫn" - các tác giả viết trên The Astrophysical Jornal.
Theo PV/Người lao động