Cụ thể, “nhiếp ảnh gia” đằng sau hình ảnh lịch sử về tàu đổ bộ của sứ mệnh Chang'e-6 và quốc kỳ Trung Quốc trên bề mặt nửa tối của Mặt trăng là một chiếc rover mini nặng 5kg, sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI).
Tờ China Space Daily thuộc sở hữu nhà nước cho biết thêm, chiếc xe rover thám hiểm bốn bánh đã được thả ra từ phía tàu đổ bộ sau khi việc thu thập mẫu hoàn tất vào thứ Hai 3/6. Nó di chuyển tự động trên bề mặt Mặt trăng để tìm góc “đẹp nhất” cho bức ảnh.
Đây là tác phẩm của chiếc xe rover tích hợp AI. Trong hình là tàu đổ bộ Mặt trăng thuộc sứ mệnh Chang'e-6. Ảnh: CNSA
Chiếc rover – còn được gọi là robot mini thông minh tự động - được Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST) phát triển. Nó có kích thước nhỏ hơn nhiều so với các robot tiền nhiệm là Thỏ Ngọc 1 và Thỏ Ngọc 2, mỗi robot nặng bằng hai người trưởng thành.
Điểm đột phá trong công nghệ Trung Quốc trong sứ mệnh Chang'e-6 chính là đây: Mặc dù chiếc rover này 'nhỏ con' hơn 2 robot tiền nhiệm nhưng lại tự hào khi sở hữu khả năng tự động tiên tiến, phần cứng nhẹ, tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện đại.
Đây là minh chứng cho bước đột phá của nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trong hành trình khám phá không gian của Trung Quốc.
Quentin Parker, nhà vật lý thiên văn từ Đại học Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết nếu rover mini này có khả năng đưa ra lựa chọn dựa trên dữ liệu đầu vào từ camera, thì đây sẽ là lần đầu tiên AI được sử dụng trên một robot tự hành Mặt Trăng.
Theo báo cáo, chiếc rover mini chủ yếu được giao nhiệm vụ chụp ảnh selfie (gọi vui là ảnh tự sướng) và xác nhận các công nghệ thông minh tự động, vốn rất quan trọng cho tương lai của hoạt động khám phá không gian sâu của Trung Quốc.
China Space Daily không tiết lộ có bao nhiêu bức ảnh selfie đã được chiếc rover mini chụp lại và vẫn chưa rõ liệu chiếc xe này có sống sót để chụp ảnh hoặc quay phim quá trình cất cánh của tàu đổ bộ khi cùng các mẫu vừa thu thập được bay lên với tàu quỹ đạo Mặt trăng hay không.
Bởi chiếc rover không được trang bị các thiết bị kiểm soát nhiệt và sẽ phải đối mặt với nhiệt độ cực lạnh trên bề mặt Mặt Trăng.
SCMP thông tin thêm, sứ mệnh kéo dài 53 ngày của Chang'e-6 là sứ mệnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại lấy đá từ nửa tối của Mặt trăng. Tất cả các mẫu trước đó – được thu thập bởi các sứ mệnh robot hoặc phi hành đoàn từ Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc – đều từ nửa sáng.
Sau Chang'e-6, Trung Quốc đang phát triển các tàu thăm dò Mặt trăng lớn hơn, phức tạp hơn cho các sứ mệnh Chang'e-7 và 8, với ý định xây dựng căn cứ Mặt trăng cơ bản vào năm 2028.
Quốc gia này đặt mục tiêu hợp tác với các đối tác toàn cầu để mở rộng cơ sở thành Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế (ILRS) quy mô đầy đủ nhằm khám phá khoa học lâu dài và sử dụng tài nguyên ở cực Nam của Mặt trăng.
Theo Trang Ly/ Người Đưa Tin