Được biết, nhóm nghiên cứu đã giảm đáng kể mức tiêu thụ điện của các chip này thông qua việc tối ưu hóa thuật toán và cấu trúc. Sau đó, nhóm đã trình bày sản phẩm của mình trong Hội nghị mạch thể rắn quốc tế IEEE 2024 (ISSCC) diễn ra tại San Francisco, Mỹ.
Chip AI đầu tiên được thiết kế để tích hợp vào các thiết bị thông minh, nhằm hỗ trợ việc điều khiển bằng giọng nói ngoại tuyến. Nhóm nghiên cứu cho biết, ưu điểm chính của chip AI mới này là khả năng vượt qua các rào cản của hệ thống nhận dạng giọng nói tiêu chuẩn. Không giống như các hệ thống khác, vi chip này có khả năng nhận dạng chính xác lời nói ngay cả trong môi trường ồn ào với yếu tố gây sao nhãng như tiếng TV, nhạc hoặc tiếng trò chuyện.
Các nhà nghiên cứu giải thích: "Con chip này đạt được mức tiêu thụ năng lượng nhận dạng ít hơn hai microjoule (đơn vị đo năng lượng) mỗi lần sử dụng, với tỷ lệ chính xác hơn 95% trong không gian yên tĩnh và 90% trong môi trường ồn ào”. Điều này được coi là một tiêu chuẩn mới về cả hiệu suất năng lượng và độ chính xác trong công nghệ chip AI.
Trong một buổi trình diễn thử nghiệm, một vi chip có kích thước 1 cm2 đã được tích hợp vào bộ vi điều khiển bên trong một chiếc ô tô đồ chơi để điều khiển các chuyển động của nó. Ngoài ra, vi chip này cũng có thể được sử dụng trong các trường hợp điều khiển bằng giọng nói, tiêu tốn ít năng lượng như trong các ứng dụng nội thất, thiết bị đeo và đồ chơi thông minh.
Chip AI thứ hai của nhóm được thiết kế để phát hiện tín hiệu co giật ở những người mắc bệnh động kinh. Công nghệ này được tích hợp trong các thiết bị đeo, sử dụng nhận dạng điện não (EEG) để phát hiện co giật và thông báo cho bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để điều trị. Với mức tiêu thụ năng lượng nhận dạng trung bình chỉ 0,07 microjoule, đây là chip AI tiết kiệm năng lượng nhất thế giới tính tới thời điểm hiện tại.
Trong bài thuyết trình tại ISSCC, báo South China Morning Post (SCMP) đưa tin, thông tin về hoạt động não bộ của người dùng được thu thập và truyền đi để phân tích hoặc kiểm tra thông qua công nghệ Bluetooth. Ngoài ra, chip AI được lập trình lại để nhận dạng các lệnh vận động tưởng tượng từ tín hiệu EEG, giúp người dùng có thể tưởng tượng các hành động mà họ muốn thực hiện. Nhờ đó, chip sẽ phát hiện và diễn giải những tín hiệu tương ứng để điều khiển chuyển động của một robot.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng con chip này không chỉ có khả năng phát hiện co giật mà còn có thể được áp dụng rộng rãi trong nhiều ứng dụng y tế và công nghệ khác nhau, như giao diện não-máy và giám sát giấc ngủ.
Với việc giới thiệu hai con chip này, Trung Quốc đang tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong lĩnh vực công nghệ AI và đóng góp vào sự tiến bộ của ngành công nghiệp toàn cầu.
Theo Xuân Hiếu/Sohuutritue