Người Trung Quốc chi hàng chục triệu đồng để 'hồi sinh' người thân đã khuất bằng AI
|
Hình ảnh những người nổi tiếng đã khuất ở Trung Quốc (từ trái sang): Kiều Nhậm Lương, Coco Lee, Cao Dĩ Tường được tái tạo bằng AI. Ảnh: Douyin. |
Gần đây, những đoạn video ngắn có hình ảnh người nổi tiếng đã qua đời như ca sĩ Coco Lee, diễn viên Kiều Nhậm Lương hay những ngôi sao phương Tây như Michael Jackson và Kobe Bryant liên tục xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.
Trên Douyin (TikTok bản Trung Quốc), có thể dễ dàng bắt gặp video của những người nổi tiếng nói trên trò chuyện với người hâm mộ bằng chính giọng nói của họ, dù họ đã qua đời từ rất lâu. Mặc dù những người sáng tạo nội dung trên Douyin tuyên bố việc "hồi sinh" bằng AI này là để đáp ứng yêu cầu của người hâm mộ, nhưng vẫn làm dấy lên một làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội.
Thay vì để tưởng nhớ người đã khuất, hành động này được cho là sử dụng hình ảnh của họ để trục lợi và khai thác thương mại một cách trắng trợn. Việc đăng tải các video nói trên giúp các tài khoản Douyin này tăng lưu lượng truy cập và tương tác.
Ngày 16/3, sau khi nhìn thấy đoạn video trên mạng của Kiều Nhậm Lương, người đã tự tử vào năm 2016, cha của cố diễn viên đã nói rằng ông không thể chấp nhận được trò giải trí này và cảm thấy không thoải mái khi xem hình ảnh con trai mình được tái tạo bằng AI.
"Ai đã cho họ quyền làm điều đó? Đó không chỉ là những hành vi vi phạm pháp lý, đó là sự thiếu tôn trọng. Chúng tôi không thể chấp nhận điều này nếu nó vì lợi ích thương mại", ông nói với Hongxing News. Tuy nhiên, cha Kiều Nhậm Lương cũng nói thêm rằng nếu người hâm mộ của nam diễn viên sử dụng hình ảnh đó như một hình thức tưởng nhớ người đã khuất thì ông có thể hiểu được.
Nhiều người dùng trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc cũng bày tỏ sự bất bình với hành động này. Một blogger trên Weibo bày tỏ: "Tôn trọng những người đã qua đời là điều tối quan trọng. Việc tiến hành tái tạo hình ảnh bằng AI mà không có sự đồng ý của gia đình là không thể chấp nhận được. Xin hãy ngừng mang những người đã qua đời ra trục lợi và để họ yên nghỉ".
Theo một dịch vụ "hồi sinh" hình ảnh người đã khuất bằng AI, việc tạo một video dài 60 giây về một người nổi tiếng đã chết có giá khoảng 600 nhân dân tệ (hơn 2 triệu đồng). Để thực hiện một video như vậy, khách hàng cần cung cấp một video clip người nổi tiếng đang phát biểu được quay chính diện trong ít nhất 10 giây, cùng với bản ghi âm giọng nói kéo dài 10 giây trở lên.
Dịch vụ này không chỉ dừng lại ở video mà còn tạo ra hình ảnh kỹ thuật số bằng AI, hỗ trợ tương tác theo thời gian thực, tạo cảm giác như đang thực sự nói chuyện với người đó. Mặc dù phía dịch vụ không tiết lộ mức giá cụ thể, nhưng những dịch vụ như vậy thường sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực hơn so với việc chỉ tạo video hoặc ảnh thông thường.
Han Xiao, làm việc tại Công ty luật Kangda ở Bắc Kinh cho biết, luật pháp vẫn bảo vệ quyền của các cá nhân sau khi chết, ở các lĩnh vực như hình ảnh, quyền riêng tư và danh tiếng của họ. Các thành viên trong gia đình có quyền kiện người sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội nếu video "hồi sinh" người nổi tiếng đã qua đời bằng AI vi phạm các quyền này.
"Hành vi của cư dân mạng đã gây ra nỗi đau tinh thần cho những người thân của cố diễn viên Kiều Nhậm Lương và xâm phạm hình ảnh của người đã khuất. Người thân của Coco Lee và Kiều Nhậm Lương có thể khởi kiện những hành vi vi phạm này", anh nói.
Theo Han Xiao, ngay cả khi ai đó dùng AI để "hồi sinh" những người nổi tiếng đã khuất nhưng không phải vì lợi nhuận thì vẫn có thể vi phạm quyền về hình ảnh của người đã chết. Điều cần làm là phải liên lạc và xin phép gia đình họ để tránh gặp phải những vướng mắc về pháp lý.
Theo Trần Trang/Báo Tin tức