Theo Live Science, đó là một miệng hố va chạm và là miệng hố va chạm trên đỉnh núi đầu tiên được xác nhận trên thế giới.
Miệng hố va chạm kỳ dị được phát hiện ngay trên đỉnh núi Baijifeng thuộc Công viên rừng quốc gia Baijifeng ở Thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm, phía Đông Bắc Trung Quốc, gần biên giới với Triều Tiên.
Giữa hai đỉnh núi đôi kỳ dị của Trung Quốc là một hố va chạm khổng lồ đã được phủ xanh bởi rừng qua thời gian có thể lên đến cả trăm triệu năm - Ảnh: CGTN
Nó là kết quả của việc một vật thể ngoài hành tinh lớn lao thẳng ngay vào đỉnh núi, khiến đỉnh núi bị chia làm đôi như ngày này. Núi Baijifeng vẫn được coi là một ngọn núi đôi gồm 2 đỉnh Baijifeng trước và Baijifeng sau.
Trên đỉnh ngọn núi dị hình này cũng rải rác những mảnh đá mà người dân địa phương gọi là "đá thiên thể" từ hàng thế kỷ trước, hóa ra lại chính xác về mặt khoa học, theo bài công bố trên tạp chí Matter and Radiation at Extremes.
Các nhà nghiên cứu trước đó đã bị thu hút bởi hình dạng kỳ quái của vết lõm trên đỉnh núi và sự phân tán của "đá thiên thể", giống như mảnh vụn sa thạch khắp đỉnh núi. Họ đã thu thập loại đá lạ này và kiểm tra các khoáng chất thạch anh bên trong.
Tất cả đều chỉ ra đó là đá được tạo ra dưới một áp suất và nhiệt lượng khổng lồ, khiến tinh thể thạch anh biến dạng theo cách đặc biệt. Tức nó là sản phẩm của một vụ va chạm thiên thạch.
Các nhà nghiên cứu - dẫn đầu bởi TS Ming Chen và TS Ho-Kwang Mao thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến Khoa học và công nghệ áp suất cao (Thượng Hải - Trung Quốc) - đã tìm thấy hàng chục ví dụ về sự va chạm thiên thạch trong mớ đá mà họ nhặt từ núi lửa.
Các mảnh đá này cũng tiết lộ vụ tấn công từ ngoài hành tinh xảy ra vào sau giai đoạn 150 - 172 triệu năm trước, là giai đoạn các khối đá granite chịu tác động được hình thành.
Theo Anh Thư/Người Lao Động