Trong những khu rừng lá kim cận Bắc Cực rộng lớn ở Châu Âu và Bắc Á, dường như không có loài động vật ăn thịt nào có lợi thế tuyệt đối. Có bốn loài ăn thịt lớn: gấu nâu (100-400 kg), chó sói (30-50 kg), linh miêu Á-Âu (15-30 kg) và chồn sói (10-18 kg). Chúng có các thói quen khác nhau, đóng các vai trò khác nhau trong hệ sinh thái và hình thành mô hình đa phân cực.
Cần lưu ý rằng bài viết này thảo luận về hệ sinh thái rừng lá kim cận băng. Hổ được tìm thấy trong các khu rừng hỗn giao lá kim và lá rộng ở khu vực Ussuri ở góc đông nam của Bắc Á, và gấu bắc cực xuất hiện ở Vòng Bắc Cực, nằm ngoài phạm vi của bài viết này, và tất nhiên là sư tử cũng không có mặt ở đây.
Gấu nâu: Siêu ăn tạp
Gấu nâu là loài động vật ăn tạp, chủ yếu ăn chay và không cạnh tranh với các loài ăn thịt khác quá nhiều. Gấu nâu chỉ ăn thịt nhiều hơn vào đầu mùa đông và mùa xuân, mục đích là để bổ sung protein, chủ yếu là ăn thịt thối, lúc này sói và linh miêu cũng tương tự như vậy.
Các nghiên cứu ở Bắc Mỹ đã chỉ ra rằng gấu nâu đực trưởng thành có thể cướp con mồi từ sói với tỷ lệ thành công gần như 100% ngay cả khi đối mặt với hơn một chục con sói lớn. Đối với những con sói nhỏ, gấu cái và thậm chí gấu nâu chưa trưởng thành cũng có thể thành công.
Kích thước của sói ở Châu Âu và Châu Á nhỏ hơn nhiều khi so với sói ở Bắc Mỹ, do đó gấu nâu có thể dễ dàng cướp thức ăn của chúng hơn. Linh miêu là loài sống đơn độc nên chúng thậm chí còn dễ dàng bị gấu nâu cướp đi con mồi hơn. Ở Bắc Âu, Đông Nam Âu và Viễn Đông, các học giả đã phát hiện ra rằng gấu nâu lần theo dấu chân của linh miêu để lấy xác con mồi. 5-27% con mồi của linh miêu sẽ rơi vào tay gấu nâu.
Cả gấu nâu và chồn sói đều là những kẻ ăn xác thối, khi cả hai gặp nhau bên cạnh một xác chết, gấu nâu sẽ chiếm thế thượng phong. Và chồn sói chỉ có thể nhặt thức ăn thừa từ sói và linh miêu, còn gấu nâu thì sẽ trực tiếp xua đuổi chúng. Ở vùng Knoyarsk, vào mùa xuân năm 1987, các nhà nghiên cứu quan sát từ trực thăng thấy một con gấu nâu đang ăn xác, trong khi con chồn sói chỉ có thể đứng đằng sau, kiên nhẫn chờ đến lượt.
Gấu nâu đôi khi gây ra mối đe dọa nhất định đối với sự an toàn của các loài ăn thịt khác. Ở Belarus, gấu nâu thường khủng bố những đàn sói bằng cách phá tổ và giết chết sói con. Vào tháng 5 năm 2019, hai con gấu nâu đã đi theo sói cha và mẹ, cuối cùng chúng đã tìm thấy hang sói và giết cả lứa sói con. Từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2018, một lứa sói con cũng bị gấu tiêu diệt. Đối với loài sói, việc tránh gấu nâu là rất quan trọng đối với sự sống còn của đàn con.
Tuy nhiên, vì gấu là loài ăn tạp và hành động tương đối vụng về nên chúng không thể gây hiệu ứng trấn áp mạnh đối với các loài động vật khác như cách mà sư tử và hổ có thể làm. Vì điều này, gấu nâu không thể hoàn toàn khiến cho 3 loài còn lại khiếp sợ.
Sói: Quân đoàn săn mồi mạnh nhất
Sói và linh miêu Á-Âu là hai loài săn mồi hàng đầu ở Châu Âu và Bắc Á, nhưng nếu so sánh thì sói sẽ là loài ở vị trí cao hơn. Đầu tiên, con mồi của sói lớn hơn linh miêu. Nó có thể ăn hươu đỏ và lợn rừng, đồng thời là động vật ăn thịt duy nhất trong khu vực có thể săn hươu đực trưởng thành và bò rừng Châu Âu. Linh miêu, thức ăn chủ yếu của chúng là thỏ và hoẵng Siberia, thỉnh thoảng chúng cũng săn hươu đỏ trưởng thành và lợn rừng.
Thứ hai, do kích thước to lớn và hoạt động theo nhóm nên sói có tác dụng kiểm soát quần thể động vật móng guốc mạnh hơn so với linh miêu. Sói là loài săn mồi cực kỳ bền bỉ, chúng có thể chạy trong vài giờ với tốc độ 8 - 9km/ h, và có thể duy trì tốc độ cao 50 - 70km/ h trong hơn 20 phút. Theo quan sát của các chuyên gia, chỉ cần một nhóm 4 con sói là có thể săn hươu đỏ, và nhóm lớn hơn có thể săn bò rừng, nhưng thực tế chỉ cần một hoặc hai con sói là có thể giết được con mồi rất lớn.
Thứ ba, sự hiện diện của sói đôi khi khiến linh miêu phải điều chỉnh chế độ ăn uống, điều này chứng tỏ sói sử dụng nguồn thức ăn hiệu quả hơn. Ở Châu Âu, mặc dù con mồi yêu thích của loài sói là hươu đỏ và linh miêu thích ăn hoẵng Siberia, nhưng sói cũng săn hoẵng Siberia, và linh miêu cũng có thể săn hươu đỏ, vì vậy giữa hai loài này luôn có sự cạnh tranh nhất định. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở những khu vực có sói, linh miêu sẽ ít săn những con mồi lớn để giảm bớt sự cạnh tranh với sói.
Thứ tư, những con sói thỉnh thoảng lại cướp con mồi của linh miêu. Mặc dù loài sói là những kẻ săn mồi, nhưng đôi lúc chúng cũng là những kẻ ăn xác thối. Các nhà nghiên cứu ở Belarus đã ghi nhận 4 con linh miêu bị sói cướp con mồi, nhóm cướp gồm 2-6 con sói. Ở Ba Lan, một phần năm số con mồi của linh miêu bị loài sói cướp mất.
Sói đôi khi bắt nạt các loài ăn thịt khác nhờ kích thước to lớn hơn hoặc là do có hội anh em đông đảo hơn. Tại Thụy Điển, các nhà động vật học đã ghi nhận những con sói giết cáo đỏ 3 lần trong suốt 1.200 ngày theo dõi. Mặc dù tương đối hiếm nhưng sói cũng tấn công chồn sói, đặc biệt là những con chồn sói không thể chạy thoát vì rơi vào bẫy.
Chồn sói đặc biệt khó đối phó, chúng rất giỏi leo cây, và có tuyến mùi hương phát triển ở hậu môn. Tại một nơi nào đó ở Yakut, vào tháng 4 năm 1994, hai con sói đã tấn công và giết chết một con chồn sói khi nó đang ăn xác một con hươu. Tháng 11 cùng năm, ba con sói lùa một con chồn sói lên trên cây, và cuối cùng nó bị giết chết trên cành cây. Nói chung, sói là thiên địch lớn nhất của chồn sói, theo ước tính sơ bộ thì tỷ lệ tử vong của chồn sói do sói gây ra chiếm khoảng 3-6% tổng số ca tử vong.
Ngay cả những con gấu nâu vị thành niên cũng có thể trở thành nạn nhân của bầy sói. Ở giữa bán đảo Kamchatka, vào năm 1978, một cặp sói đã giết chết một con gấu chưa trưởng thành; năm 1999, ba con sói đã săn lùng con gấu cái và con của nó, giết thành công một con gấu con nặng 50 kg.
Linh miêu: Kẻ giết người tinh vi
Linh miêu Á-Âu nhỏ hơn sói, chúng là loài sống đơn độc, sức mạnh kém xa bầy sói. Tuy nhiên, trong cuộc chiến đơn độc giữa linh miêu và sói, thì sói thường là kẻ thua cuộc. Trước đây, người ta thường cho rằng chó sói là thiên địch của linh miêu, nhưng đây là một sai lầm. Cho đến nay, chỉ có hai hồ sơ về việc sói giết linh miêu, một là hai con sói ở Nga đã giết một con linh miêu vào năm 1937. Hai là những con sói ở Belarus đã tấn công hai mẹ con linh miêu ba lần vào đầu thế kỷ 21, và chỉ giết chết được con linh miêu con. Các nghiên cứu ở 8 khu vực của Châu Âu và Siberia đã chỉ ra rằng chó sói không thể ảnh hưởng đến sự phân bố và số lượng của linh miêu.
Ngược lại, hồ sơ ghi nhận linh miêu giết sói lại nhiều hơn. Nếu mật độ linh miêu thấp, nó có thể cùng tồn tại với sói, chẳng hạn như ở Ba Lan, Thụy Điển và những nơi khác. Nhưng nếu mật độ của linh miêu đạt đến mức tương đối cao, chẳng hạn như 8 con trên 100 km vuông như trong rừng Naliborki ở Belarus, thì những con sói sẽ bị đàn áp.
Linh miêu sẽ giết tất cả sói con trước khi chúng đến sinh nhật đầu tiên, và thường thì cả lứa sói con sẽ bị giết cùng lúc. Do sự tàn sát của linh miêu, việc sinh sản của những con sói trong rừng Nalliborki bị đình trệ vào năm 2016-2018, và những con sói trưởng thành buộc phải mạo hiểm để sinh sản ở các khu vực xung quanh rừng.
Nếu bạn nghĩ rằng linh miêu chỉ dám tấn công bầy sói một cách bí mật thì bạn đã nhầm. Ở Belarus, hai con sói cái khi chuyển dạ đã bị linh miêu giết chết. Một con sói cái đang theo dõi đàn con của mình bên tổ, nhưng khi thấy một con linh miêu đực to lớn xuất hiện, nó lập tức bỏ chạy, và tất cả đàn con của nó đều bị linh miêu giết chết.
Vào tháng 4 năm 2017, một con sói đực và một con linh miêu già đã có một cuộc chiến trực diện, con linh miêu già đã chiến thắng, con sói đực bị cắn vào bụng và chết vì vết thương nặng. Chuyên gia về động vật hoang dã người Belarus Vadim cho biết, một con linh miêu đực lớn có thể đánh bại bất kỳ con sói nào trong trận đấu đơn.
Linh miêu hung dữ hơn nhiều so với chó sói và các loài động vật ăn thịt khác. Tỷ lệ động vật ăn thịt trong khẩu phần ăn của nó cao tới 4-12%. Dấu vết của cáo đỏ, mèo thông, chó nhà, mèo hoang và lửng thường có thể được tìm thấy trong dạ dày của chúng.
Không giống như sói, linh miêu là một thợ săn phục kích, ngoại trừ việc tuần tra lãnh thổ, nó thường ẩn náu ở một nơi và một khi phát hiện ra con mồi, nó sẽ từ từ tiếp cận, và sau đó lao ra để giết con mồi. Sức bền là một điểm yếu của linh miêu, nó thường đuổi theo con mồi không quá 20 mét.
Nghiên cứu tại các khu rừng ở Belarus cho thấy tất cả các loài thú, kể cả chó sói, đều lo lắng khi ngửi thấy mùi của linh miêu, như thể chúng đang đối mặt với kẻ thù lớn, nhưng chúng không sợ mùi của sói. Nguyên nhân là do sói thường xuyên di chuyển nên mùi của chúng tồn tại ở khắp mọi nơi, và tất cả dã thú đã quen với điều đó nên chúng không cảm thấy sợ hãi.
Wolverine: Người nhặt rác chuyên nghiệp
Chồn sói có khả năng săn mồi kém, chúng chủ yếu đóng vai trò nhặt rác và sống bằng cách ăn xác chết và ăn con mồi thừa từ linh miêu và sói. Trong số các loài ăn xác thối ở Châu Âu và Bắc Á, chồn sói có lợi thế hơn quạ, giẻ cùi, cáo đỏ, lửng chó và chồn thông, chúng chỉ đứng sau gấu nâu. Là loài ăn xác thối nên chồn sói chuyên nghiệp hơn gấu nâu, chúng sống trong khe nứt sinh thái giữa hai kẻ thù hùng mạnh là sói và linh miêu.
Ở Na Uy và Phần Lan, loài chồn sói vui vẻ chia sẻ môi trường sống với sói, đặc biệt là vào mùa đông, nó rất phụ thuộc vào con mồi của sói. Ở Thụy Điển, lãnh thổ của loài chồn sói và linh miêu hoàn toàn trùng nhau. Thức ăn chủ yếu của loài chồn sói ở đây là tuần lộc và xác hươu do linh miêu bắt được.
Mặc dù những con chồn sói háu ăn, hung dữ và hiếu chiến, nhưng chúng rất thận trọng trong việc xử lý mối quan hệ với hai loài ăn thịt lớn hơn nên hiếm khi thấy được chồn sói trực tiếp đối đầu với sói và linh miêu. Sói và linh miêu chủ yếu ăn trong vài ngày đầu sau khi săn mồi, còn chồn sói sẽ chịu trách nhiệm ăn hộ chúng cho đến khi các xác không còn một chiếc xương.
Mặc dù chồn sói và linh miêu có chung lãnh thổ, nhưng những cuộc chạm trán gần gũi giữa chúng là cực kỳ hiếm. Cả hai đều có khứu giác phát triển, khi nhận ra đối phương đang ở phía trước, chúng thường dừng lại và bỏ đi chỗ khác để tránh chạm trán.
Các nhà nghiên cứu đã đếm khoảng cách giữa loài chồn sói và linh miêu sống trong cùng một khu vực và phát hiện ra rằng hầu hết khoảng cách trung bình giữa chúng đều hơn 1.000 mét, và xác suất chạm trán chỉ là 1%. Khi chúng gặp nhau, 80% là chồn sói rút lui, 10% là linh miêu rút lui và 10% còn lại là cả hai đều rút lui. Ở Na Uy và Thụy Điển, các học giả đã quan sát thấy hình ảnh linh miêu chạy trốn khỏi chồn sói.
Ở dãy núi Sayan phía Tây nước Nga, loài chồn sói thích ăn thức ăn thừa của sói, nó thường đi theo bầy sói, nhưng lần nào cũng đến muộn hơn bầy sói săn mồi thành công từ 1 đến 2 ngày. Các nhà nghiên cứu mới chỉ tìm thấy một trường hợp sói đang ăn thịt con mồi và chồn sói chờ đợi ở phía xa.
Chồn sói có khứu giác nhạy bén và rất cơ động, vì vậy chúng có thể nhanh chóng phát hiện ra sói và linh miêu săn mồi. Hơn nữa, loài chồn sói có thói quen xẻ thịt khi chúng tìm thấy con mồi của sói hoặc linh miêu, sau đó vận chuyển thành từng mảnh để giấu đi. Chiến lược này không chỉ giúp nó kiếm được nhiều thịt hơn mà còn tránh được xung đột với sói và linh miêu.
Loài chồn sói nhỏ hơn linh miêu, nhưng nó rất dũng cảm và cũng không nên coi thường sức mạnh của loài này, cả sói đơn độc và linh miêu đều không dám gây sự với chúng. Ở miền bắc nước Nga, một con linh miêu đã bị giết bởi một con chồn sói. Chồn sói sẽ không chủ động tấn công các loài ăn thịt khác, nhưng khi gây sự với chúng thì loài này sẽ trống trả cực kỳ mãnh liệt và cũng chẳng thua kém gì loài lửng mật ong dám đánh cả sư tử.
Nhìn chung, gấu nâu là loài mạnh nhất trong rừng lá kim cận Bắc Cực, nhưng nó là loài ăn tạp và cạnh tranh với các loài ăn thịt khác tương đối thấp. Sức mạnh của sói vượt trội so với linh miêu và chồn sói, nhưng chúng bị giới hạn bởi môi trường rừng taiga - sói không thể duy trì một nhóm lớn. Mối quan hệ cạnh tranh giữa bốn loài ăn thịt này là ổn định và cân bằng, không loài nào có thể ức chế hoặc loại trừ hoàn toàn loài nào.
Theo Đức Khương/Báo Tổ quốc