Theo Science Alert, sau hàng tỉ năm bị giam cầm, các hạt vật chất ngoài hành tinh đã thấm ra khỏi lõi một cách bí ẩn, từ đó tìm đường lên lớp phủ, rồi được đẩy lên mặt đất thông qua các hoạt động địa chất. Điều này khiến các nhà nghiên cứu phải tính đến khả năng lõi Trái Đất đang bị rò rỉ.
Bên trong lõi Trái Đất ẩn giấu rất nhiều hạt bí ẩn từ gió Mặt Trời cổ đại - Ảnh: NASA/SDO/AIA
Nắm bắt được thứ vật chất rò rỉ đó từ đá núi lửa sâu của một số hòn đảo giữa đại dương, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vũ trụ học Mandred Vogt của Đại học Heidelberg (Đức) đã đối chiếu các hạt bí ẩn đó với thành phần nhiều thiên thạch, và tìm ra sự trùng khớp ở "Washington County" - một thiên thạch hiếm được tìm thấy vào năm 1927, với thành phần chủ yếu là sắt.
Thiên thạch này là lõi của một "hành tinh thất bại", đã từng tắm trong gió Mặt Trời sơ khai và mang trên mình nhiều đồng vị bất thường của khí quý heli và neon. Các đồng vị này được gọi là "đồng vị Mặt Trời", bởi chính là các hạt vật chất nằm trong gió Mặt Trời.
Đó cũng chính là các đồng vị không thuộc về Trái Đất được tìm thấy trong vật liệu rò rỉ từ lõi hành tinh.
Như vậy, trong quá trình hình thành hành tinh, phần lõi sơ khai 4,5 tỉ năm trước của Trái Đất đã "bắt cóc" các hạt từ gió Mặt Trời, để rồi bọc kín chúng trong khi hành tinh dần được bồi tụ.
Theo tiến sĩ Vogt, phát hiện này không chỉ mở ra cửa sổ để nhìn vào giai đoạn hình thành phức tạp của Trái Đất, mà còn cho thấy sự rò rỉ của lõi hành tinh có thể là thường xuyên, và vật chất lõi cũng góp phần lớn vào quá trình địa hóa lớp phủ cũng như nhiều hoạt động địa chất khác của hành tinh. Nghiên cứu vừa công bố trên Communications Earth and Environment.
Theo Anh Thư/Người Lao động